Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010
GREEN MARKETING
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa thông tin về những hoạt động kinh doanh gây tác động đến môi trường của nhiều doanh nghiệp. Tại Việt Nam, đó là những thông tin về việc Vedan xả nước thải thẳng ra sông Thị Vải. Trên thế giới là những thông tin về sữa sản xuất tại Trung Quốc bị nhiễm chất melamine và gần đây nhất là vụ tràn dầu của tập đoàn BP ở vịnh Mexico...
Những chuyên gia về marketing đánh giá năm 2010 là năm bùng nổ của tiếp thị xanh (green marketing). Người tiêu dùng không còn quan tâm đến việc công ty và thương hiệu của bạn “xanh” như thế nào, thay vào đó họ muốn biết công ty và thương hiệu của bạn giúp cuộc sống của họ “xanh hơn” như thế nào…
Theo Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ (AMA), tiếp thị xanh là hoạt động tiếp thị cho sản phẩm an toàn với môi trường. Do vậy, tiếp thị xanh gắn với một loạt hoạt động rộng rãi bao gồm điều chỉnh sản phẩm, thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi cách thức đóng gói cũng như thay đổi cách truyền thông tiếp thị.
Theo các chuyên gia marketing, tiếp thị xanh liên quan đến một quá trình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ dựa trên những lợi ích môi trường. Những sản phẩm, dịch vụ này có thể thân thiện với môi trường hoặc được sản xuất, đóng gói theo phương pháp thân thiện với môi trường.
Một giả thiết hiển nhiên của tiếp thị xanh là những người tiêu dùng hiện tại và tiềm năng sẽ nhận thấy “tính năng xanh” là một lợi ích của sản phẩm hoặc dịch vụ và dựa vào tiêu chí này để quyết định mua. Và dĩ nhiên cũng có một giả thiết là người tiêu dùng sẽ sẵn sàng trả tiền cao hơn cho sản phẩm hoặc dịch vụ xanh.
Chúng ta đang sống trong một thế giới với tốc độ thay đổi chóng mặt, những thách thức lớn từ môi trường, thay đổi khí hậu, dịch bệnh… và hàng loạt các hậu quả khác do sự tàn phá môi trường.
Hơn bao giờ hết, tiếp thị xanh đang là mối quan tâm và ưu tiên chiến lược của các tập đoàn trên thế giới. Với sự bùng nổ của xu hướng này trên toàn cầu, các nhà sản xuất và kinh doanh Việt Nam cần phải làm gì?
Dưới đây là 10 cách thức đơn giản mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ có thể áp dụng. Nếu doanh nghiệp của bạn hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh khác cũng có thể học hỏi những phương pháp đơn giản của các doanh nghiệp bán lẻ miễn sao đơn giản và giúp đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
1) Tắt tất cả thiết bị khi không sử dụng.
2) Khuyến khích truyền thông bằng e-mail.
3) Giảm lãng phí giấy tờ (máy fax...).
4) Sử dụng giấy hai mặt bất kỳ khi nào có thể.
5) Không để vòi nước bị chảy nước.
6) Lắp thiết bị tiết kiệm nước trong nhà vệ sinh.
7) Tìm nguồn cung có thể tái sử dụng giấy.
8) Chọn nhà cung cấp có thể tái sử dụng bao bì.
9) Liên tục tìm kiếm những phương pháp để làm sản phẩm và dịch vụ “xanh” hơn đối với cộng đồng.
10) Trước khi xem xét mua đồ đạc sử dụng trong văn phòng, hãy xem xét khả năng điều chỉnh hoặc sửa chữa.Ngoài ra, để giúp các chiến dịch tiếp thị xanh thật sự hiệu quả, doanh nghiệp có thể thực hiện những điều sau đây:
1) Trung thực. Doanh nghiệp phải làm những gì đã công bố trong chiến dịch tiếp thị xanh. Các chính sách kinh doanh và các hoạt động trong chuỗi giá trị phải nhất quán, thân thiện với môi trường và tạo được sự tín nhiệm.
2) Thông tin cho khách hàng. Khách hàng mục tiêu nhận biết được tầm quan trọng, có đầy đủ thông tin và hiểu rõ về các chiến dịch tiếp thị xanh của doanh nghiệp. Thường xuyên truyền thông tương tác hai chiều.
3) Cho khách hàng cơ hội cùng tham gia. Khách hàng trực tiếp tham gia vào các hoạt động trong chiến dịch tiếp thị xanh của doanh nghiệp bởi khách hàng là một thành phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị của công ty.
Khái niệm tiếp thị xanh không mới, tuy nhiên với sự bùng nổ của xu hướng xanh trên thế giới trong năm 2010 cho thấy cộng đồng doanh nghiệp cả thế giới đang cùng nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái và tạo ra ngày càng nhiều các sản phẩm thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp Việt Nam có lẽ không thể đứng ngoài dòng trào lưu này.
Nguyễn Đăng Duy Nhất
TBKTSG 30/09/2010
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)