Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

CHIẾN LƯỢC TIẾP THỊ XANH CHO NĂM 2011



Trong khi vẫn còn là khái niệm khá mới đối với doanh nghiệp Việt Nam thì Green Marketing, tạm dịch là Tiếp thị Xanh, lại đang trở thành một xu hướng được ứng dụng vào chiến lược phát triển của nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Một số mô hình Green Marketing sau đây, theo nghiên cứu của Hội đồng Giám đốc Marketing Cao cấp - CMO Council, sẽ giúp doanh nghiệp phần nào tìm ra lời giải cho chiến lược này.

Lưới Tiếp thị Xanh

Đây là cơ hội cải tiến phương pháp tạo sự khác biệt, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh, có thể được tóm tắt lại như sau:

Xanh: Những hoạt động tập trung vào việc áp dụng cách tiếp cận tiếp thị truyền thống cho các sản phẩm, thương hiệu và bản thân công ty xanh hơn so với sản phẩm thay thế và đối thủ cạnh tranh. Các công ty này cùng nhau làm xanh và bổ sung chuỗi cung ứng, phân phối. Kết quả chủ yếu biểu hiện qua kết quả kinh doanh. Các mục tiêu bền vững được cập nhật liên tục và do vậy các công ty phải làm như nhau. Chìa khóa là phải cam kết chân thật về những gì đang làm dù đúng hay sai. Ví dụ, việc các chuỗi siêu thị Metro, Big C, Co.opMart đưa ra các tiêu chuẩn khi mua hàng nông sản của nông dân.

Xanh hơn: Tạo sự nhiệt tình hơn đối với sản phẩm thay vì chỉ phát ngôn “hãy mua hàng của chúng tôi”. Nó liên quan đến việc cho người tiêu dùng cơ hội đóng góp và tham gia bằng cách chia sẻ trách nhiệm với họ. Kết quả thu được sẽ lớn hơn rất nhiều so với kết quả kinh doanh đơn thuần. Có thể xem việc Ngân hàng HSBC hay Công ty Honda tổ chức cho người tiêu dùng cùng các nhân viên tham gia trồng cây hoặc làm từ thiện nhằm nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng, mời họ cùng chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp là ví dụ minh họa.

Xanh nhất: Tập trung vào những thay đổi văn hóa để tạo sự thay đổi đáng kể về cách thức kinh doanh và sản phẩm. Trọng tâm là tạo ra sự khác biệt mang tính cải tiến và đột phá, đồng thời cung cấp giải pháp tốt hơn, tạo cho khách hàng cảm giác quen thuộc và rồi dễ chấp nhận. Các công ty điện tử đã thực hiện điều này bằng cách tập trung cải tiến thiết bị nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần làm sạch môi trường.

Ma trận Tiếp thị Xanh

Theo mô hình này, không có một chiến lược xanh nào phù hợp và đúng cho tất cả doanh nghiệp. Mô hình này gồm 4 chiến lược là Lean Green (Xanh Tinh gọn), Extreme Green (Xanh Tuyệt đối), Defensive Green (Xanh Phòng thủ) và Shaded Green (Xanh Bao phủ).

Xanh Tinh gọn: Công ty theo đuổi chiến lược này không tập trung công bố hoặc tiếp thị các sáng kiến xanh của mình, ngay cả khi họ đang nỗ lực trở thành công ty đóng góp nhiều cho cộng đồng. Mối quan tâm của họ là giảm các chi phí và cải thiện hiệu quả thông qua các hoạt động bảo vệ và thân thiện với môi trường, nhờ vậy tạo ra lợi thế cạnh tranh với chi phí thấp. Đối với những công ty này, thu nhập phần lớn không được tạo ra từ phân khúc thị trường xanh. Động lực chính để công ty phát triển là tuân thủ các quy định và tìm ra giải pháp tiên phong trong dài hạn. Việc tạo ra một thương hiệu thân thiện với môi trường sẽ là cách tiếp cận người tiêu dùng an toàn cho doanh nghiệp.

Nguyễn Đăng Duy Nhất
Nhịp cầu đầu tư 3/2011