Giải pháp vượt khó thời khủng hoảng
Tập trung vào mặt hàng chủ lực, giảm trọng lượng sản phẩm, bán kèm hàng hóa lẫn nhau… có thể giúp doanh nghiệp đứng vững khi kinh tế khó khăn, sức mua giảm, theo ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Chủ tịch CMO Worldwide Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược và quản lý Tinh hoa Toàn cầu, Chủ tịch CMO Worldwide Việt Nam chia sẻ với VnExpress.net những giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt trụ vững trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.
- Làm cách nào để doanh nghiệp ít tốn chi phí nhất, nhưng mang lại hiệu quả cao nhất trong giai đoạn này, thưa ông?
- Tôi muốn nhấn mạnh rằng để bán được sản phẩm, hệ thống phân phối rất quan trọng, nhất là trong thời điểm hiện nay. Doanh nghiệp cần liên kết với kênh phân phối chặt chẽ, trải rộng hơn và đàm phán nguồn hàng, giá cả với nhà cung cấp sao cho mang lại lợi ích nhiều hơn cho khách hàng và cũng giúp đẩy nhanh lượng tiêu thụ.
Khi kinh tế suy thoái, ngân sách dành cho marketing cũng hạn chế. Do đó, doanh nghiệp nên sử dụng công cụ hỗ trợ của công nghệ số như: mạng xã hội, blog, mobile, email, hạn chế quảng cáo qua tivi, các phương tiện truyền thông khác... để tiết giảm tối đa chi phí. Giá cả, hệ thống phân phối, quảng cáo, dịch vụ, quy trình đặt hàng, giao hàng, thanh toán cũng cần phải thay đổi.
- Doanh nghiệp nên chú trọng marketing ở mức độ như thế nào trong thời điểm hiện nay?
- Doanh nghiệp nên quan tâm tới marketing nếu muốn bán được sản phẩm hay dịch vụ trong lúc kinh tế khó khăn hay ổn định, áp dụng nguyên lý lấy nguồn lực và năng lực để tận dụng cơ hội. Các công ty cũng phải hiểu rõ đối thủ cạnh tranh, nếu không các chiến dịch hay chương trình đưa ra không đủ sức lôi kéo khách hàng và chiến thắng đối thủ.
Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần tập trung vào một số sản phẩm chủ lực và bỏ bớt những sản phẩm không hiệu quả, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu mới của khách hàng. Ví dụ, bán kèm với nhau, đưa ra gói sản phẩm nhỏ hơn...
Về mặt giá cả, hiện nay khách hàng quan tâm đến yếu tố này rất nhiều. Do đó, bộ phận marketing của công ty phải nắm tình hình tài chính của khách hàng để điều chỉnh chính sách giá cho phù hợp.
Ở khâu phân phối, doanh nghiệp nên ưu tiên hơn để giảm bớt chi phí, điều chỉnh quy trình giao hàng, đặt hàng với thời gian rút ngắn so với lúc trước.
Đối với khía cạnh quảng cáo, doanh nghiệp sử dụng một thông điệp xuyên suốt nhưng tích hợp nó hiệu quả trên các công cụ số.
- Có giải pháp nào hữu hiệu cho những doanh nghiệp đối mặt với khả năng phá sản lội ngược dòng, thưa ông?
- Thực ra những doanh nghiệp thành công cũng từng gặp hoàn cảnh rất khó khăn và bên bờ vực phá sản. Theo tôi, để vượt qua cơn khủng hoảng, các nhà quản lý, lãnh đạo của công ty cần có sự tự tin để biến những cái không thể thành có thể, đưa ra những cách làm có tính thích nghi cao, không phải rập khuôn.
Ví dụ, Adidas từ năm 1992 lỗ 100 triệu USD, đến năm 1999 đã lãi 900 triệu USD. Việc biến đổi ngoạn mục này là do sự sáng tạo, đột phá dựa trên yếu tố thấu hiểu khách hàng. Điển hình, Adidas tập trung vào phân khúc khách hàng là người trẻ chơi thể thao thay vì nhắm vào nhiều đối tượng.
- Trong thời buổi kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp xem việc giải phóng hàng tồn kho là tiêu chí số một, chứ không quan tâm tới marketing. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Hai vấn đề có liên quan với nhau. Để giải quyết hàng tồn, doanh nghiệp cần nghiên cứu nhu cầu khách hàng và sử dụng biện pháp như khuyến mãi, tăng cường lực lượng bán hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến hoạt động quảng cáo để khách hàng biết thương hiệu đó đang tồn tại.
Trong suy thoái kinh tế, khách hàng sẽ thay đổi hành vi, thói quen, tập quán tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp cần quay trở lại làm công tác nghiên cứu khách hàng. Sản phẩm bán được hay không là phụ thuộc vào khách hàng, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam lại rất ít chú trọng vào đầu tư cho nghiên cứu khách hàng.
Phương Mai