Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2010

Nghệ thuật tuyển và giữ Nhân Tài


Làm thế nào để tuyển đuợc nhân viên giỏi? Làm thế nào để giữ chân nhân viên giỏi? Trên thực tế, tuyển được nhân viên giỏi đã khó, giữ chân họ còn khó gấp bội. Các nhân viên giỏi luôn đánh giá được giá trị bản thân. Đồng thời họ cũng biết rằng có nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác dành cho mình ở mọi thời điểm. Đôi khi, họ cũng là những người hơi lập dị, khiến cho việc quản lý trở nên khó khăn hơn.
Việc họ ra đi sau khi đuợc đào tạo hay đã có vốn kinh nghiệm vững vàng là điều khiến hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đau đầu. Nhiều người cho rằng chiến lược giữ chân nhân viên duy nhất là thể hiện rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm của họ trong hợp đồng lao động. Nhưng đó không phải là cách làm duy nhất!
Chúng ta thích câu nói rằng: "Trừ khi bạn có nhân viên, bạn có thể không phải là nhà lãnh đạo”. Những thách thức của việc tuyển dụng các nhân viên giỏi trong thị trường lao động cạnh tranh như ngày nay để thấy rằng, giữ chân nhân viên giỏi trở thành một phần tất yếu cho thành công của bạn.
Lương là một trong những nhân tố ít quan trọng của việc giữ chân nhân viên giỏi. Vậy điều gì là quan trọng với họ? Các nhà lãnh đạo có thể làm gì để giữ lòng nhiệt tình và sự cam kết của nhân viên luôn ở mức độ cao?
Chương trình "Nghệ thuật" giữ chân nhân viên giỏi sẽ cung cấp cho bạn những chỉ dẫn mà bạn cần áp dụng để tạo ra và phối hợp với các yếu tố thu hút những nhân viên giỏi về làm việc bên mình; Giúp bạn có cái nhìn toàn diện về quá trình tuyển dụng - đào tạo - giữ chân nhân viên và các phương pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu xuyên suốt này.
Chương trình được chia sẻ với 3 khách mời:
- Bà Trần Triều Thúy Vũ, Giám Đốc Nhân Sự, Gannon Việt Nam
- Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Phó Tổng Giám Đốc Kinh Doanh, Kinh Đô
- Bà Zeny Ramirez, Giám Đốc Phát Triển Kinh Doanh, Employment Việt Nam
Thành hay bại của doanh nghiệp là ở con người, mà ở đó nhân viên giỏi là một chủ thể không thể tách rời. Nhân viên giỏi luôn đánh giá được giá trị bản thân và họ muốn được thỏa mãn bản thân cao nhất, cả vật chất lẫn tinh thần. Việc giữ chân nhân viên giỏi đang là một vấn đề đau đầu đối với các nhà lãnh đạo.
Mở đầu chương trình, Bà Trần Phương Thúy, Giám Đốc Công Ty AGEL với vai trò là người điều phối chương trình, đã dành thời gian cùng với các nhà quản lý tiến hành Trắc nghiệm khả năng giữ chân nhân viên giỏi. Bài trắc nghiệm giúp các nhà quản lý đánh giá được khả năng giữ nhân viên giỏi của mình.
I. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TUYỂN ĐƯỢC NHÂN VIÊN GIỎI
Tiếp nối chương trình, với kiến thức sâu rộng và hơn 10 năm kinh nghiệm công tác tuyển dụng, quản lý nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia, Bà Trần Triều Thúy Vũ, Giám Đốc Nhân Sự Công Ty Gannon Việt Nam chia sẻ về "Talent Recruitment".
Trước tiên, các nhà quản lý được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm có 1 đại diện và tập hợp các vấn đề mà nhóm đang quan tâm, liên quan đến làm thế nào để tuyển đuợc nhân viên giỏi? làm thế nào để giữ chân nhân viên giỏi? ... Sau thời gian 7 phút, đại diện các nhóm báo cáo. Các vấn đề chủ yếu tập trung đến đào tạo, chính sách, chiến lược phát triển nhân viên, văn hóa doanh nghiệp, quy mô công ty, ...
Vậy để giải quyết các yêu cầu trên, Bà Trần Triều Thúy Vũ đưa ra "chuẩn" - bộ khung cho việc thu hút, tuyển dụng nhân viên giỏi.
Thế nào là nhân viên giỏi? Đó là người có thể giúp công ty ngày một phát triển và có thể làm việc, thích nghi với môi trường, văn hóa công ty. Một công ty hơn hết rất cần nhân viên giỏi, vì nhân viên giỏi là thành tố quan trọng ảnh hưởng đến mọi định hướng và thành quả kinh doanh mà công ty có được.
Các tiến trình có thể tuyển được nhân viên giỏi? Để thu hút được người có năng lực vào công ty thì thường từ hai yếu tố sau:
- Sức hút từ thương hiệu của công ty: Thương hiệu là một nhân tố quan trọng quyết định sức hấp dẫn và nguồn động lực để thu hút tài năng cho doanh nghiệp.
- Phúc lợi mà công ty mang lại: Giữa các công ty khác nhau để có thể tuyển được nhân viên giỏi thì cần có chế độ phúc lợi tốt. Ngoài lương ra, công ty cần quan tâm hơn về các nhu cầu khác của ban thân nhân viên. Giúp nhân viên an tâm làm việc, thể hiện hết bản thân mình và cống hiến hết sức mình cho công việc.
Cách đưa những nhân viên giỏi đi đến thành công? Để người tài có thể làm việc hiệu quả và giúp công ty đi đến thành công thì cần có một chiến lược phát triển nhân viên giỏi kết hợp với quy trình hướng tài năng. Từ những mong muốn và thực trạng của công ty sẽ tạo nên một kế hoạch phát triển nhân viên giỏi, gắn liền với mục đích kinh doanh mà công ty mong muốn.
Các tiến trình phát triển nhân viên giỏi trong công ty? Cần xây dựng cấu trúc phát triển cho nhân viên giỏi trong công ty, vì kết quả của cấu trúc này là kết quả kinh doanh của công ty.
II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ CHÂN NHÂN VIÊN GIỎI
Tuyển dụng là một quá trình tốn kém về thời gian, công sức của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều khiến hầu hết các nhà lãnh đạo đau đầu là sau một thời gian được đào tạo bài bản, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm việc thì cũng là lúc họ quyết ra đi. Qua khảo sát cho thấy, lương là một trong những nhân tố ít quan trọng trong việc giữ chân nhân viên giỏi. Vậy làm thế nào để giữ chân nhân viên giỏi? Chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của 2 khách mời: Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Phó Tổng Giám Đốc Kinh Doanh Công Ty CP Kinh Đô và Bà Zeny Ramirez, Giám Đốc Phát Triển Kinh Doanh Công Ty Employment Việt Nam.
Với thị trường lao động cạnh tranh như hiện nay, việc giữ chân nhân viên giỏi càng được các nhà lãnh đạo chú trọng hơn, trở thành một phần tất yếu cho thành công của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Phó Tổng Giám Đốc Kinh Doanh Công Ty CP Kinh Đô, từng nắm giữ những chức vụ quản lý tại các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới như: Prudential, Dutch Lady, URC, Tradewind Asia, Heinz, ... đã chia sẻ những cốt lõi của vấn đề mà các nhà quản lý đang quan tâm - "nghệ thuật" nhưng ngắn gọn và sâu sắc.
People are not your most important asset. The right people are - Jim Collins
Đúng người, đúng việc, đúng thời điểm là việc quan trọng mà các nhà quản lý cần quan tâm. Đồng thời, chúng ta cũng cần phân biệt giữa khả năng và năng lực của nhân viên. Khả năng là những gì tự nhiên hay thuộc về phẩm chất, còn năng lực là có khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc nào đó. Người có khả năng và năng lực tại doanh nghiệp này thì chưa chắc có năng lực, đáp ứng công việc tại một doanh nghiệp khác.
Tại sao chúng ta phải giữ chân nhân viên giỏi? thứ nhất đó là vì danh tiếng và thứ 2 đó là vì hiệu quả công việc. Một số công ty chọn chiến lược thay đổi người liên tục, nhưng đa số chọn giải pháp "giữ người".
Trong thực tế, chúng ta chấp nhận sự thật rằng, có những khoảng cách giữa cung và cầu; giữa giáo dục và nhân tài; nhân tài ngày càng khan hiếm; cầu vượt cung; nhân tài đòi hỏi, công ty đánh đổi; lòng trung thành và sự cam kết từ hai phía; tuyển nhầm người.
Vậy tại sao nhân viên giỏi ra đi? đó là:
- Thiếu những chương trình huấn luyện để nâng cao chuyên môn, họ cảm thấy không học hỏi gì nữa ở môi trường hiện tại.
- Người cố vấn không hiệu quả.
- Môi trường thiếu thử thách.
- Công việc chồng chéo, không được hệ thống, không theo quy trình.
- Thiếu mối quan hệ đồng nghiệp trong môi trường làm việc.
- Thưởng phạt không công bằng, minh bạch.
Do đó, để giữ chân nhân viên giỏi, chúng ta cần có kế hoạch
- Giữ gìn hình ảnh công ty.
- Tiến hành phỏng vấn người nghỉ việc.
- Tập trung phát triển tiềm lực nhân sự.
- Lưu trữ thông tin nhân viên để theo dõi quá trình làm việc của họ. Phải biết họ cần gì, muốn gì; tùy theo từng cá nhân, chúng ta sẽ có cách ứng xử khác nhau để giữ người.
Để thực hiện kế hoạch trên, chúng ta cần thực hiện những yêu cầu tiên quyết
- Chuẩn bị sẵn chương trình / cách thức để giới thiệu nhân viên. Nếu không, người mới vào sẽ bỡ ngỡ hoặc có những suy nghĩ không hay về người khác, gây ra những ấn tượng không tốt, khó làm việc được lâu dài.
- Tạo môi trường làm việc tốt.
- Cung cấp những chương trình huấn luyện phù hợp với nhu cầu.
- Đưa ra gói lương bổng phù hợp.
- Đưa ra lời khuyên.
- Thực hiện chiến lược khen thưởng.
10 bước xây dựng chiến lược giữ chân nhân viên giỏi
1. Đưa ra những điều mà tổ chức quan tâm thật sự và cách đánh giá. Điều này giúp những cá nhân hiểu rõ được đâu là đích đến, làm thế nào để được tổ chức đánh giá cao. Tiếp tục quan tâm mỗi cá nhân mà bạn đang hỗ trợ hay trực thuộc.
2. Tạo ý nghĩa trong công việc. Giúp họ thấy được sự liên hệ giữa cái họ đang làm và giá trị công việc tạo ra cho công ty, cho những đồng nghiệp nội bộ trong công ty, cho khách hàng bên ngoài và cho xã hội.
3. Đưa ra những câu hỏi khuyến khích. Đừng ngại khi hỏi tại sao anh chị ở lại làm việc cho công ty? Cái gì sẽ giúp giữ chân họ?
4. Phát triển năng lực. Tìm kiếm những cơ hội để đưa nhân viên vào những tình huống thử thách, nơi mà khả năng và năng lực của họ sẽ phát triển.
5. Gặp gỡ và nói chuyện từng người một. Hướng dẫn một cách cụ thể cho từng cá nhân bằng cách đặt câu hỏi như bạn đang nghĩ gì?, lắng nghe và hành động. Nhớ là phải ghi tóm tắt lại những cuộc nói chuyện giữa những người quản lý và nhân viên một cách trực tiếp.
6. Làm cho mọi người hiểu rằng, việc giữ người là trách nhiệm chung. Khuyến khích tất cả thành viên trong nhóm thấy được trách nhiệm của mình trong việc giữ người và phải phản ảnh những vấn đề cần phải được sửa chữa.
7. Hãy là người xây dựng nghề nghiệp. Nói với nhân viên về nguyện vọng lâu dài về sự nghiệp của họ và giúp đỡ họ sử dụng hay xây dựng khả năng và năng lực mà họ cần trong tương lai.
8. Giúp đỡ nhân viên nhận thức được điểm “A”. Đưa ra quan điểm, định nghĩa rõ ràng về cấp độ A (cấp độ cao nhất) mà tổ chức của bạn đánh giá về năng lực của một con người.
9. Quản lý sự thay đổi. Theo sát nhân viên trong những thời gian cụ thể, bao gồm sự thay đổi của cá nhân và tổ chức. Hãy luôn thường xuyên kiểm tra và cởi mở.
10. Nói đi đôi với làm. Hãy nhớ rằng, nhân viên luôn luôn nhìn bạn, hành động và đánh giá bạn như là một người dẫn đầu.
Giữ chân nhân viên giỏi & "sếp"
"Sếp" phải là nhà hướng dẫn, giúp đỡ nhân viên trong công việc; là nhà cố vấn khi cần tham vấn ý kiến; là nhà lãnh đạo để nhân viên theo; và là nhà tạo động lực làm việc cho nhân viên.
Khi khan hiếm nhân viên giỏi. Chúng ta có thể đào tạo nhân viên từ đầu, mới ra trường với các chương trình đào tạo có định hướng, phù hợp với yêu cầu công việc.
(Diễn giả MBA Nguyễn Đăng Duy Nhất)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét