Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Được và mất từ ‘người hùng’ Steve Jobs?


Việc Jobs từ bỏ vai trò CEO cũng giống như Apple đã mất đi 1 phần “bản sắc” của mình. Nhưng dù sao, với những đóng góp quan trọng cho Apple nói riêng và cho cả thế giới công nghệ nói chung, Steve Jobs đã làm quá nhiều và đã quá đủ để có thể nghĩ ngơi.
Trong một lá thư ngắn gửi cho Ban lãnh đạo Apple, Steve Jobs viết: “Tôi luôn nói với mọi người rằng nếu một ngày nào đó tôi không thể đảm đương nổi trách nhiệm và những kỳ vọng trên cương vị là Tổng giám đốc điều hành Apple, chính tôi sẽ cho các bạn biết điều đấy đầu tiên. Thật không may rằng ngày ấy đã đến. Tôi sẽ rời vị trí mà mình đang nắm giữ tại Apple.
Tôi tin rằng những ngày tươi sáng và nhiều đổi mới đang ở phía trước chúng ta, và tôi nóng lòng được chứng kiến, đóng góp vào những thành công của công ty trong một vai trò mới. Trong thời gian làm việc tại Apple, tôi đã có được những người bạn tốt của đời mình. Xin gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người vì những năm tháng đã sát cánh bên nhau”.
4 vị trí khó xóa bỏ của Steve Jobs trong Apple:
Người phân xử cuối cùng: Rất nhiều công ty lớn đang bị sa lầy vào những cuộc chiến quan liêu nội bộ – đó là căn bệnh đặc thù của Microsoft, và HP với tuyên bố chiến lược vụng về trong tuần trước cũng dẫn đến những rắc rối chính trị trong nội bộ tập đoàn này. Nhưng đó chưa bao giờ là vấn đề với Steve Jobs trong việc điều hành Apple. Tất cả mọi người đều tôn trọng ông, ông biết từng bộ phận của công ty đang làm gì, và ông không sợ phải đưa ra những thay đổi lớn khi công ty gặp vấn đề nào đó. Các CEO khác có thể cũng thông minh và nghị lực không kém, nhưng họ không thể sánh được với ông về mức độ trọng vọng kể từ khi ông – người sáng lập Apple – đã quay lại để vực công ty dậy từ cõi chết.
Nhà hoạch định sản phẩm: Jobs bị ám ảnh bởi việc đơn giản hóa và loại bỏ những thứ rườm rà: ông đã cắt giảm dòng sản phẩm Mac xuống còn một vài mẫu khi ông quay trở lại, phản đối việc con chuột Apple có 2 nút bấm, và khăng khăng rằng iPhone không phải cố làm được mọi thứ cùng một lúc. Các nhân viên Apple khác cũng hiểu được điều đó, nhưng không chắc rằng liệu có ai đủ khả năng điều hành tốt được như cách mà Jobs đã làm. Đặc biệt là khi các nhóm sản phẩm hay các cá nhân nhìn thấy một cơ hội mới để giành được địa vị và khiến mọi người phải lắng nghe ý kiến của mình. Và nếu chuyện này xảy ra, thì Apple có lẽ đã vấp phải tình trạng đấu tranh nội bộ như các tập đoàn trong ý trên.
Nhà tuyển dụng có sức hút cực lớn: Apple đã để tuột mất giám đốc bán hàng Ron Johnson, và Jony Ive – giám đốc thiết kế sản phẩm cũng đang được đồn là sẽ rời bỏ công ty. Tuy vậy, ngày nay tất cả mọi người đều mong muốn được làm việc cho Apple, một phần là vì thành công vang dội của công ty – nhưng cũng rất có thể là do họ ngưỡng mộ những câu chuyện huyền thoại về Steve Jobs.
Biểu tượng văn hóa hiện đại: Steve Jobs gắn liền với báo chí – trong đó có cả những tờ báo nổi tiếng. Liệu các phương tiện truyền thông có van nài Tim Cook hay Phil Schiller hãy chú ý đến mình mỗi khi phát biểu? Đừng quá hi vọng vào điều đó. Và như vậy cũng có nghĩa là có thể bạn sẽ không còn được thấy mỗi tuyên bố về sản phẩm của Apple trên các kênh tin tức truyền hình địa phương như thời gian Steve Jobs còn nắm quyền nữa.
7 nguyên tắc cải cách của Steve Jobs:
Nguyên tắc 1: Hãy làm những gì bạn thích.

Steve Jobs từng nói “Những người có đam mê có thể thay đổi thế giới tích cực hơn”. Ông nói, cuộc sống quá ngắn ngủi để bạn có thể thực hiện giấc mơ của kẻ khác. Và nếu bạn không tìm thấy niềm đam mê của mình, thì hãy tiếp tục tìm kiếm, chứ đừng tự hài lòng và dừng lại.
Cũng giống như Bill Gates, Jobs nổi tiếng là 1 tỉ phú không tốt nghiệp đại học. Sự thật thì ông đã bị đuổi học chỉ sau 1 học kỳ. Sau khi bị đuổi học, Jobs đã du lịch đến Ấn Độ và tìm kiếm sự giác ngộ tâm linh và trở về Mỹ như 1 Phật tử thực sự với cái đầu cạo trọc.
Nguyên tắc 2: Hãy nhìn đến lõm cả vũ trụ.
Steve Jobs tin vào uy lực của tầm nhìn. Và ông đương nhiên có một tầm nhìn lớn. Vào giữa những năm 1970 khi máy tính vẫn chỉ phát triển giới hạn trong một nhóm người chung sở thích, Steve Jobs đã tin rằng ông có thể mang máy tính đến cho mọi người sử dụng hàng ngày. Và thế là ông đã thách thức người đồng sáng lập Steve Wozniak và nhóm làm việc Apple cùng tạo ra một chiếc máy tính mà mọi người cảm thấy thoải mái khi sử dụng hàng ngày. Kết quả của việc này là sự ra đời của một chiếc máy tính đã làm thay đổi tất cả – chiếc máy tính mang tên Macintosh.
Nguyên tắc 3: Kết nối mọi thứ để khơi dậy sức sáng tạo của bạn.
Steve Jobs từng nói sự sáng tạo là kết nối mọi thứ. Ý ông là mọi người với đủ các kinh nghiệm sống thường có thể nhìn thấy những điều mà người khác bỏ lỡ. Jobs thường kết nối ý tưởng từ những lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, ông học thư pháp ở trường đại học. Thư pháp không có ứng dụng thực tế nào cho cuộc sống của ông. Nhưng ông rất thích thú và đam mê lĩnh vực này. Sau này, kinh nghiệm thư pháp của ông cũng đã tìm được con đường của mình khi đến với Mac, chiếc máy tính đầu tiên với những phông chữ đẹp mắt. Sáng tạo là kết nối những điều thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Nguyên tắc 4: Nói “không” với 1000 điều.
Steve Jobs rất tự hào với những gì Apple làm được, song ông cũng tự hào bởi cả những gì Apple đã lựa chọn không làm. Steve Jobs từng nói rằng cải cách đến từ việc nói “không” với 1000 thứ. Trong thế giới của Apple, đơn giản có nghĩa là loại bỏ những thứ rườm rà. Bất cứ thứ gì gây loạn cho trải nghiệm của người dùng đều bị loại bỏ. Đó là lý do tại sao mặt trước iPad chỉ có đúng 1 nút bấm, hay tại sao iPhone không có một bàn phím thực nào. Các sản phẩm của Apple phổ biến bởi chúng đơn giản, trang nhã và dễ dùng. Nhưng tất cả những điều đó đều được bắt đầu từ một câu hỏi của Steve Jobs: Chúng ta có thể loại bỏ những gì?
Nguyên tắc 5: Hãy tạo ra những trải nghiệm khác biệt điên rồ.
Không chỉ tạo ra nhiều cải cách sản phẩm, Steve Jobs còn cải tiến nhiều trải nghiệm dịch vụ khách hàng. Các cửa hàng bán lẻ Apple kiếm được nhiều tiền trên mỗi m2 hơn mọi cửa hàng khác kể cả những thương hiệu xa xỉ, và lúc nào cũng đông khách từ sáng đến tối. Trung bình mỗi cửa hàng tiếp đón 17.000 lượt khách mỗi tuần! Khi Steve Jobs lần đầu thiết lập quan niệm cho các cửa hàng bán lẻ Apple, ông đã nói rằng chúng cần phải khác biệt bởi thay vì chỉ bán hàng, chúng còn phải làm cho cuộc sống của khách hàng thêm phong phú.
Nguyên tắc 6: Làm chủ thông điệp.
Bạn có thể có ý tưởng tốt nhất thế giới, nhưng nếu bạn không thể truyền đạt ý tưởng đó, bạn sẽ chẳng làm được gì. Steve Jobs là người kể chuyện doanh nghiệp giỏi nhất thế giới. Thay vì chỉ đơn giản thuyết trình như hầu hết mọi người vẫn làm, ông thông báo, ông đào tạo, ông truyền cảm hứng và ông giúp mọi người giải trí, tất cả chỉ trong một bài thuyết trình. Nếu có điều gì bạn có thể làm được ngay hôm nay để trở nên “giống Steve Jobs”, thì đó là tư duy trực quan. Có rất ít chữ xuất hiện trên mỗi trang thuyết trình của Steve Jobs. Đó là triết lý mang tên “tính siêu việt của hình ảnh”. Mọi người thường ghi nhớ thông tin tốt hơn khi chúng được trình bày dưới dạng chữ và tranh ảnh thay vì chỉ có chữ.
Nguyên tắc 7: Hãy bán ước mơ thay vì sản phẩm.
Steve Jobs nắm bắt được sự tưởng tượng của chúng ta bởi ông thực sự hiểu khách hàng của mình. Năm 1997, khi Apple suýt phá sản, Steve Jobs đã nói ông sẽ giảm chủng loại sản phẩm của Apple nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng cốt lõi của họ. Lúc đó, ông nói rằng “một vài người nghĩ rằng bạn thật điên khi mua một chiếc máy tính Mac, nhưng trong sự điên rồ đó, chúng ta lại nhìn thấy những thiên tài, những người mà chúng ta làm ra máy tính cho họ”. Khách hàng của bạn không quan tâm đến sản phẩm của bạn. Cái họ quan tâm là chính họ, hi vọng của họ, tham vọng của họ. Steve Jobs đã dạy chúng ta rằng nếu bạn giúp khách hàng của mình đạt được ước mơ, bạn sẽ có được họ.

Doanh nhân toàn cầu tiếc nuối khi Steve Jobs từ chức:
Art Levinson, thành viên Ban lãnh đạo Apple nhận xét: “Tầm nhìn xa trông rộng và tài năng lãnh đạo của Steve đã đưa Apple trở thành công ty có nhiều đổi mới và giá trị nhất thế giới. Những đóng góp của Steve là không thể đong đếm được”.
Một CEO tại Thung lũng Silicon đề nghị giấu tên đánh giá cách Jobs nói chuyện cho thấy tình trạng sức khỏe của ông có thể còn tệ hơn mọi người nghĩ. Jobs đã đem đến thành công cho Apple từ cách hoạt động cho tới những quyết định mang tính chiến lược, đồng thời nói sẽ không bao giờ bỏ Apple nếu ông được quyền chọn điều đó.
CEO này nói: “Điều này thực sự buồn. Chẳng ai xem chuyện này dưới con mắt thương mại, mà họ sẽ nhìn dưới khía cạnh con người. Chắc chắn không ai nghĩ rằng Jobs bỏ việc vì không muốn làm CEO của Apple nữa”.
Tờ CNBC nhận xét, việc Jobs từ chức sẽ là dấu chấm cho một kỷ nguyên tại Apple, và là cánh cửa mở ra một kỷ nguyên mới.
Chủ tịch Google Eric Schmidt nói: “Steve Jobs là CEO thành công nhất tại Mỹ trong suốt 25 năm qua. Ông đã kết hợp sự nhạy cảm của nghệ sĩ với tầm nhìn của kỹ sư theo cách chỉ riêng mình làm được, và tạo nên một công ty vô cùng đặc biệt. Jobs thực sự là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất lịch sử Mỹ”.
Bloomberg dẫn lời đồng sáng lập Apple, ông Steve Wozniak: “Mọi người sẽ luôn nhớ đến Jobs, có thể tới cả trăm năm nữa, nhớ đến lãnh đạo doanh nghiệp ngành công nghệ vĩ đại nhất trong thời kỳ chúng ta đang sống. Bên cạnh Jobs là hàng ngàn nhân viên và chất lượng sản phẩm phản ánh tài năng của họ”.
Trang Yahoo News đưa ý kiến của Trip Chowdhry, phân tích gia tại công ty nghiên cứu Global Equilities: “Apple là Steve Jobs, Steve Jobs là Apple, và Steve Jobs thực sự là một luồng gió mới. Bạn có thể dạy người khác cách để hoạt động và điều hành hiệu quả, có thể thuê chuyên gia tư vấn để làm những điều đó, nhưng chỉ có Chúa là người tạo ra những thay đổi… Apple mà không có Steve Jobs thì chẳng là gì cả”.
Carmine Gallo, người đào tạo truyền thông cho nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ông cũng là diễn giả nổi tiếng và là tác giả của một vài cuốn sách bán chạy nhất, trong đó có 2 cuốn viết về Steve Jobs là “Bí quyết thuyết trình của Steve Jobs” và “Bí quyết cải cách của Steve Jobs” bên cạnh việc đưa ra những nguyên tắc làm nên Steve Jobs cũng đã viết: “Có một câu chuyện mà tôi nghĩ có thể tổng kết lại sự nghiệp của Steve Jobs ở Apple. Một nhà điều hành với công việc tái phát minh cửa hàng Disney đã từng gọi cho Jobs để hỏi xin lời khuyên. Lời khuyên của Steve là gì ư? Hãy mơ ước lớn hơn. Tôi nghĩ đó là lời khuyên tốt nhất mà ông gửi tới chúng ta ngày hôm nay, cũng là lời khuyên mà ông sẽ tiếp tục đưa ra cho Apple trong vai trò chủ tịch của hãng. Hãy tìm thiên tài ngay trong sự điên rồ của bạn, hãy tin tưởng chính mình, tin tưởng tầm nhìn của mình, và luôn luôn sắn sàng bảo vệ ý kiến của mình. Bởi đó là những ý kiến rất có thể sẽ thay đổi cả thế giới”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét