Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Sản phẩm thương hiệu Việt Nam - 7 điều cần làm ngay



Nhiều người Việt Nam tự hào khi biết tin Vinamilk vào Top 200 công ty châu Á xuất sắc của tạp chí Forbes. Tuy nhiên, Vinamilk chỉ là thương hiệu đơn độc của Việt Nam được thế giới biết tới và sản phẩm cũng như thương hiệu Vinamilk phần lớn vẫn phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Doanh nhân Việt Nam đã tiếp cận với khoa học và thực tiễn xây dựng thương hiệu từ những năm đầu của thập niên 1990 với sự gia nhập thị trường Việt Nam của các thương hiệu hàng đầu thế giới như P& G, Unilever, BP hay Castrol. Sau gần 20 năm, chúng ta đã có rất nhiều thương hiệu trong nhóm Hàng Việt Nam chất lượng cao và thương hiệu Việt. Tuy nhiên, DN & thương hiệu Việt vẫn đang gặp không ít khó khăn trong việc định vị chỗ đứng ngay trong thị trường nội địa. Trong khi đó, thương hiệu nước ngoài ngày càng chiếm thị phần lớn trong các ngành. Ví dụ trong ngành mì gói, thương hiệu mì Acecook của Nhật đang chiếm hơn một nửa thị phần; trong ngành dầu gội, các thương hiệu của P& G và Unilever đang chiếm phần lớn thị phần; trong ngành nước giải khát,các thương hiệu của Coca-Cola, Pepsi, URC lấn át các thương hiệu của Việt Nam; trong ngành sữa bột, các thương hiệu Abbott, Mead Johnson, Dutch Lady vẫn luôn là đối thủ nặng ký của Vinamilk...

Nếu không liên kết lại với nhau và có các chiến lược cụ thể cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, trong tương lai không xa, các thương hiệu Việt sẽ khó có chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa, chứ chưa nói là tìm đường xuất khẩu. Trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay, chúng ta cũng cần phải học hỏi cách làm thương hiệu của các cộng đồng DN nước ngoài tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan... Các DN này thường xuyên hỗ trợ quảng bá và sử dụng các dịch vụ sản phẩm và thương hiệu của nhau. Sự lớn mạnh của các thương hiệu được xây dựng trong cộng đồng riêng, sau đó lan tỏa ra cộng đồng, xã hội, và người tiêu dùng Việt Nam. Ví dụ như việc nhiều người tiêu dùng Việt Nam bị ảnh hưởng bởi văn hóa Hàn Quốc thông qua các kênh truyền hình, từ đó phát triển làn sóng tiêu dùng theo xu hướng Hàn Quốc hóa, từ mỹ phẩm, trang điểm, ẩm thực...



DN Việt Nam chưa có tiền lệ " hùn hạp" trong xây dựng thương hiệu. Phần lớn các thương hiệu chỉ hỗ trợ nhau trong một số các sự kiện, còn lại đa phần chưa có chiến lược co-branding( hợp tác thương hiệu) rõ ràng, cụ thể, mang tính chiến lược hợp tác lâu dài và cam kết. Sau đây là một vài kiến nghị theo ý kiến cá nhân, rất mong có thêm nhiều sự đóng góp từ bạn đọc và các chuyên gia thương hiệu có tâm huyết với thương hiệu Việt:

1. Thành lập hội/ nhóm các chuyên gia từ các bộ ban ngành liên quan, các chuyên gia thương hiệu hàng đầu trong nước và quốc tế, doanh nhân có nhiều kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu. Qua đó, tập hợp tri thức trong nước, quốc tế, cùng những bài học thực tiễn của DN trong quá trình xây dựng thương hiệu. Cần có chiến lược hoạt động cụ thể lâu dài với sự đầu tư đúng mức.

2. Đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về lợi thế cạnh tranh và năng lực cốt lõi của DN Việt và xây dựng thương hiệu Việt.

3. Tham vấn ý kiến rộng rãi của các giới trí thức, truyền thông, doanh nhân trong xã hội thông qua việc tổ chức các cuộc họp, tư vấn, hội thảo chuyên đề về thương hiệu Việt tại thị trường Việt Nam và chiến lược xúc tiến thương hiệu Việt ra thế giới.

4. Xây dựng các chương trình truyền thông nhằm kêu gọi các tầng lớp xã hội hưởng ứng và quảng bá các thương hiệu Việt.

5. Học tập và vận dụng chọn lọc những thông lệ tốt nhất trong xây dựng thương hiệu của các cộng đồng DN Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu..

6. Nhà nước cần xem xét các chính sách hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu Việt, phát triển kênh phân phối và bán lẻ thương hiệu Việt; có chiến lược xây dựng thương hiệu mạnh cho ngành chủ lực là nòng cốt của thương hiệu quốc gia và phát triển kinh tế quốc gia.

7. Song song với việc sử dụng và thuê các chuyên gia nước ngoài trog lĩnh vực xây dựng thương hiệu, cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các chuyên gia xây dựng thương hiệu có năng lực và uy tín trong nước; có chiến lược động viên khuyến khích để không bị chảy máu chất xám sang các thương hiệu nước ngoài


MBA. Nguyễn Đăng Duy Nhất

Chủ tịch CMO Council Worldwide tại Việt Nam, CEO Global Elite Consulting Corporation

Doanh Nhân Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét