Theo các diễn giả tại Diễn đàn Giám đốc tài chính-CFO 2013, trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, vai trò của giám đốc tài chính rất quan trọng, đó là người sẽ tham mưu về chiến lược cho Hội đồng quản trị dựa trên tình hình tài chính của công ty và các dự báo dòng tiền.
Theo ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư, trong những lúc doanh nghiệp khó khăn, và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã chọn cách “đánh bóng” hay “hô biến” các số liệu tài chính, thông qua kỹ thuật kế toán của giám đốc tài chính. Vì vậy, trong bối cảnh này, rất nhiều giám đốc tài chính phải đứng trước hai lựa chọn, một là đạo đức cá nhân và quyền lợi cộng đồng, hai là quyền lợi của doanh nghiệp.
Trong nhiều trường hợp để bảo vệ cho doanh nghiệp, người giám đốc tài chính chấp nhận cách làm sai trái, nhưng họ rất khổ tâm với việc này.
Ông Tiến cho rằng để làm một giám đốc tài chính trong sạch, trung thực là một điều rất khó khăn trong thời điểm này.
Ngoài ra, theo ông Tiến ở Việt Nam khái niệm giám đốc tài chính còn mới, và đa phần ở nhiều công ty tại Việt Nam, giám đốc tài chính hay kế toán trưởng có vai trò như nhau, nhưng thực chất, giám đốc tài chính phải là người tham mưu cho hội đồng quản trị trong chiến lược kinh doanh và chịu trách nhiệm với các chiến lược tài chính mình đề ra, kế toán trưởng chỉ là người quản lý tình hình tài chính của công ty.
Trong thời điểm này giám đốc tài chính lại rất cần phải thay đổi, nâng cao vai trò của mình lên, không nên chỉ như là người quản lý các con số lãi lỗ của doanh nghiệp, mà phải nhìn được sự luân chuyển của dòng tiền, và các cách thức tiết giảm chi phí tài chính để doanh nghiệp vượt khó.
Cái khó nhất của giám đốc tài chính, không phải chỉ là hiện tại doanh nghiệp không dễ dàng thu được các khoản nợ khó đòi, hay mất khả năng thanh toán nhanh, mà chính là người lãnh đạo chưa công nhận vai trò tham mưu của họ. Trong khi, rất nhiều trường hợp các dự án đã được triển khai nhưng ban lãnh đạo không tính toán hết được các tình huống, sự khả thi khi bỏ vốn… dẫn đến có khi dòng tiền không về kịp, dự án bị đình trệ, gây lãng phí cho doanh nghiệp, và có khi dẫn doanh nghiệp đến sự phá sản hay giải thể.
“Khi ban lãnh đạo có các quyết định đầu tư, vay nợ, không ai hỏi ý kiến giám đốc tài chính nhưng khi xảy ra vấn đề nư nợ khó đòi hay doanh nghiệp mất thanh khoản thì giám đốc tài chính lại phải chịu trách nhiệm xử lý, đó là nghịch lý ở nhiều công ty hiện nay”, ông Tiến nói thêm. Ông Tiến cho rằng phải có cái nhìn khác về giám đốc tài chính, việc dựa trên việc quản trị tài chính để xác lập ra các chính sách, chiến lược, bước đi của công ty, trong việc cấu trúc nợ, vấn đề tài chính trong dự án đầu tư, không chỉ coi họ là những người ghi chép lại những con số đã diễn ra. (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
(Ông Nhất cùng các hội viên của CLB CFO Việt Nam tại diễn đàn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét