Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập vào năm 2015. Khi Việt Nam bước chân vào cuộc chơi khu vực này, cố nhiên, tự bản thân mỗi doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ vị thế của mình để có thể đưa ra những quyết định chính xác. GS. TS. Rolf-Dieter Reineke – Chuyên gia tư vấn quản trị – Giám đốc chương trình EMBA-MCI đã có những phân tích về cuộc chơi lớn này. Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Giám Đốc Điều Hành Global Elite Consulting cũng cùng tham gia diễn giả và điều phối cho ý kiến thêm về diễn đàn này.
Trong bản quy hoạch tổng thể AEC, ASEAN đã xác định bốn nguyên tắc “trụ cột”, bao gồm: xây dựng thị trường sản xuất chung; vùng kinh tế cạnh tranh; phát triển kinh tế công bằng; hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) được xác định là xương sống của nền kinh tế ASEAN, cung cấp 50% đến 85% việc làm trong nước và đóng góp 30% – 50% GDP, một số chương trình hành động đã được xác định với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng phục hồi nhanh của các SMEs.
Trong 20 năm qua, Việt Nam từ một nước nghèo đã trở thành một trong những nước xuất khẩu thực phẩm lớn trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định. Việc tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm đạt 5.3% từ năm 1986 là một thành tích xuất sắc trong khu vực Châu Á chỉ sau Trung Quốc. Việc hình thành cộng đồng AEC sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình đổi mới và tạo ra những cơ hội mới cũng như những thách thức về cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhân tố chính quyết định sự hiệu quả của các doanh nghiệp trên sân chơi này không chỉ phụ thuộc vào quy trình sản xuất kinh doanh mà còn phụ thuộc vào cách doanh nghiệp định vị bản thân trên một sân chơi tầm cỡ khu vực.
McKinsey cũng nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7-8% GDP hàng năm thì Việt Nam cần chú trọng hơn vào việc phát triển hiệu năng lao động trong nhiều ngành nghề khác nhau và tìm kiếm giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh nhờ vào chất lượng, tính năng và thương hiệu sản phẩm hơn là chỉ dựa vào giá cả như hiện tại. Những yếu tố trên tác động xấu đến nền kinh tế nhưng nó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát các doanh nghiệp Việt Nam. Báo cáo cũng cho rằng các yếu tố về quyền sở hữu trí tuệ (hạng 113) và bảo vệ các tài sản trí tuệ (hạng 123) ở Việt Nam là rất thấp. Nhưng Việt Nam có lợi thế về các yếu tố mức độ hiệu quả của lao động (hạng 51), độ lớn thị trường tiêu dùng (hạng 32) và “sự hài lòng trong các cải cách y tế và giáo dục cơ bản”.
Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Giám Đốc Điều Hành của Global Elite Consulting Corporation, là diễn giả và điều phối diễn đàn tư vấn Việt Nam 2014 cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị kỹ cho hội nhập AEC 2015. Các doanh nghiệp cần phải vận dụng chiến lược 3 chữ FBC "Faster, Better and Cheaper" (Nhanh hơn, Tốt hơn và Rẻ hơn) cũng như các CEO cần phải trang bị năng lực 3 chữ L "Language, Law and Leisure" (Ngôn ngữ, Luật pháp, Thư giãn)
Để đạt được lợi ích từ quá trình hội nhập kinh tế ASEAN, các doanh nghiệp phải dự đoán và quản lý sự thay đổi một cách chuyên nghiệp. Các công ty không chỉ phải giải quyết mà còn phải tận dụng các hiệu quả của sự mở rộng tự do sắp đến được mang lại từ AEC. Những thử thách này vừa phổ biến đối với các đất nước đang mở cửa hội nhập trong quá trình toàn cầu hóa, vừa là đặc thù khi chúng xảy ra trong những bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội ít nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tìm kiếm những đối tác nước ngoài trong lãnh vực tiếp thị, sản xuất và phân phối để được thừa hưởng các giải pháp kỹ thuật có sẵn của họ.
Có thể nói, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ mang nhiều lợi ích cũng như thách thức đến với các doanh nghiệp Việt. Tuy vậy, các thách thức này cũng sẽ tạo nên thời cơ cho tất cả các công ty biết cách biến thách thức thành đòn bẩy.
(Bản tin GECC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét