Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

GECC đồng hành cùng diễn đàn CFO Việt Nam 2014 tổ chức lần thứ 6

 Diễn đàn CFO Việt Nam 2014 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh với chủ đề "Đi lên từ thất bại" đã thu hút gần 300 đại biểu là các nhà quản lý doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế - tài chính, giám đốc tài chính (CFO) trong nước và quốc tế tham dự.


Liên tiếp các năm qua, Thời báo Tài chính Việt Nam đã tham gia bảo trợ thông tin cho Diễn đàn CFO Việt Nam.
Tại hội nghị, các diễn giả đến từ chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Asiainvest Singapore, Tập đoàn Bảo Việt, Jardine Lloyd Thompson, ACCA Việt Nam, Treasury Management Tinternational, Microsoft Việt Nam,… đã trình bày nhiều vấn đề về: Viễn cảnh kinh tế châu Á và Việt Nam 2015; Nghệ thuật thu hút nguồn vốn; Đầu thư thất bại, tại sao?; Kiểm soát rủi ro - vượt qua thảm họa; Xu hướng phát triển nhân sự trong ngành tài chính;…
Đây là năm thứ 6 liên tiếp Diễn đàn CFO Việt Nam 2014 được tổ chức bởi VCFO phối hợp cùng JACFO, ACCA và IAFEI - Hiệp hội quốc tế các nhà quản trị tài chính cấp cao. Đặc biệt những năm qua, Thời báo Tài Chính Việt Nam luôn  đồng hành với vai trò bảo trợ thông tin, cùng góp phần cho sự thành công của diễn đàn này.
Trong các phiên thảo luận tại diễn đàn này, nhiều đại biểu cũng đã bày tỏ mối quan tâm, đặt ra những câu hỏi về: khai thác vốn từ các thành phần kinh tế tư nhân, kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư từ các thị trường tài chính lớn, giải pháp quản trị rủi ro, tái cơ cấu doanh nghiệp, nhân lực CFO cho doanh nghiệp trong nước và khu vực,… đã được các diễn giả trả lời một cách thẳng thắn, cởi mở.

Mở đầu hội nghị, ông Hiroshi Yaguchi - Giám đốc điều hành Hiệp hội Giám đốc Tài chính Nhật Bản (JACFO), đánh giá: “Vai trò của CFO, những người được coi là nhà quản trị tham gia lèo lái công ty đang vượt xa vai trò truyền thống của người điều hành quản trị nguồn vốn. Chúng ta đang sống trong một thế giới không ổn định và đầy biến động, các nhà kinh doanh cần sẵn sàng tiếp thu những quan điểm khác nhau về giá trị, cũng như chủ động hơn trong việc thiết lập mạng lưới quan hệ cá nhân,… và diễn đàn này chính là cơ hội quan trọng để kết nối”.

Đặt vấn đề về “Đầu tư thất bại, tại sao?”, ông Lê Hải Phong - CFO Tập đoàn Bảo Việt đã dẫn dụ lại một số thất bại điển hình từ nhà Bác học Edison đã 10.000 lần để chế tạo ra bóng đèn,… đến những “sai lầm trị giá 200 tỷ USD” của tỷ phú Warren Buffett - Giám đốc điều hành Berkshinre Hathaway Inc. Bên cạnh đó, ông Lê Hải Phong cũng chỉ ra rằng, có 5 nguyên nhân dẫn đến thất bại trong đầu tư đó là: không có mục tiêu phù hợp, tầm nhìn ngắn hạn, danh mục không phù hợp, thiếu hệ thống kiểm soát, thiếu thông tin và người tư vấn phù hợp.

Tại diễn đàn này, có một CFO của doanh nghiệp ở Singapore đã đặt vấn đề với các diễn giả là làm thế nào để quản trị rủi ro trong thời buổi số hóa và mạng internet xâm nhập mạnh vào đời sống. Trả lời câu hỏi trên, ông Craig Paterson, Giám đốc khu vực, chuyên gia tư vấn rủi ro của Jardine Lloyd Thompson, nhìn nhận internet đã làm thay đổi nhanh chóng phương thức kinh doanh trên thế giới, điển hình là thành công của Alibaba.

Theo đánh giá từ các doanh nghiệp, hiện nay xác suất rủi ro trên mạng còn thấp so với nhiều lĩnh vực khác. Dù vậy, các CFO cũng cần chú ý và cố gắng đưa ra mô hình, quy trình xử lý rủi ro, xác định và dự báo một số rủi ro trong chiến lược kinh doanh để có kế hoạch quản lý khủng hoảng một cách chủ động, hiệu quả.

Ở một khía cạnh khác, khi có đại biểu đặt vấn đề về nhân lực CFO và các chuẩn mực về kế toán, bà Lê Thị Hồng Len, Trưởng đại diện Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tại Việt Nam, phân tích: Bộ Tài chính đã và đang hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính, thuế, kế toán, do vậy cũng cần có thời gian chứ không thể một sớm một chiều. Nhưng hy vọng trong thời gian tới, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, ACCA sẽ có sự phối hợp với Bộ Tài chính, các trường đại học để thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tài chính và các chuẩn mực về kế toán, đáp ứng yêu cầu hội nhập với thế giới.

Cũng theo vị đại diện ACCA, đối với nhân lực CFO ở Việt Nam vẫn đang có nhu cầu rất lớn về nhân sự cấp cao, đòi hỏi chuyên môn và kỹ năng cần thiết. Do vậy, ngay từ bây giờ, các bạn trẻ cần phải được đào tạo bài bản để có thể làm việc trong nước hoặc ở các nước trong khu vực.

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bách, Giám đốc Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (VCFO), Chủ tịch và CEO Tập đoàn AsiaInvest, nhìn nhận: “Thông qua Diễn đàn CFO Việt Nam 2014, Ban tổ chức hy vọng đây là cơ hội gặp gỡ, trao đổi, kết nối được với các chuyên gia kinh tế, tài chính, quản trị doanh nghiệp, đối tác tiềm năng trong và ngoài nước; đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu để mỗi người có cái nhìn tổng quát hơn về những nguyên nhân sâu xa của sự thất bại trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua”.

“Qua diễn đàn này, mỗi cá nhân, doanh nghiệp sẽ hoạch định được cách làm đúng khi ra các quyết định đầu tư, huy động vốn, gìn giữ nhân tài, kiểm soát rủi ro nhằm giúp doanh nghiệp phát triển thành công và bền vững hơn trong giai đoạn sắp tới”, ông Nguyễn Ngọc Bách bày tỏ sự tin tưởng.


Global Elite Consulting Corporation và CMO Worldwide Việt Nam đã đồng hành cùng CFO Forum Việt Nam từ lần đầu tiên. Đây là lần thứ 6 GECC và CMO Worldwide Việt Nam hợp tác, hỗ trợ truyền thông cho chương trình. Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Tổng Giám Đốc GECC cho rằng đây là giai đoạn đầy thách thức cho các doanh nghiệp và các CFO. Năm 2015 Việt Nam sẽ hội nhập sâu vào AEC và một số hiệp định thương mại mới sẽ có hiệu lực, CFO cần chuẩn bị năng lực để trở thành đối tác tư vấn tài chính cho CEO và HĐQT (Business Partner) thay vì chỉ làm thuần túy các công tác chuyên môn. Ngoài ra CFO cần phải gắn kết mạnh mẽ hơn với các C khác để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh chung cho doanh nghiệp.

Hùng Nguyên

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Giữ chân khách hàng

Chân dung khách hàng tương lai

Đặt vấn đề nhận diện khách hàng năm 2015, đa phần những người làm marketing cho rằng sẽ có những thay đổi lớn về tính cách của khách hàng. Thứ nhất, khách hàng sẽ khó tính hơn và đòi hỏi tinh tế hơn ở sản phẩm và dịch vụ mà DN cung cấp.
Thứ hai, họ giàu có hơn nhưng tiêu xài chừng mực hơn, đặc biệt đòi hỏi về giá rẻ ngày càng nhiều. Thứ ba, khi có quá nhiều cơ hội trong việc lựa chọn thì lòng trung thành của khách hàng cũng giảm đi thấy rõ.
Ở góc độ một nhà tư vấn chiến lược, ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Tổng Giám Đốc Global Elite Consulting Corporation, Chủ tịch CMO Council Worldwide tại Việt Nam, cho rằng, trong khủng hoảng, khách hàng sẽ giảm tiêu dùng hoang phí. Họ cẩn trọng trong quá trình thu thập thông tin và tốn nhiều thời gian hơn để ra quyết định mua sắm.

Không chỉ thế, khó khăn cũng khiến người tiêu dùng điều chỉnh hành vi mua sắm. Họ sẽ ít mua những mặt hàng xa xỉ và quan tâm nhiều hơn những thương hiệu rẻ tiền, những sản phẩm thực sự cần thiết cho nhu cầu.
Số lượng họ mua cũng ít hơn, họ thích khuyến mãi và hàng giá rẻ vì phù hợp với túi tiền. Thậm chí, nhiều khách hàng đến các trung tâm mua sắm chỉ để ngắm hơn là để mua. Đây chính là những điều mà các DN cần biết trước khi quyết định tung sản phẩm mới ra thị trường và muốn bán được hàng.

Khi xu hướng tiêu dùng thay đổi mà DN ứng phó không kịp thời sẽ dễ mất đi lòng trung thành của khách hàng. Chia sẻ vấn đề này tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Marketing của Trung tâm Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA cách đây không lâu, chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn ISM, cho rằng, hầu hết các công ty đánh mất 50% khách hàng của mình trong vòng 5 năm.
Có khá nhiều lý do khiến khách hàng không quay lại mua sản phẩm của DN nhưng lý do quan trọng nhất là họ không hài lòng khi DN tiếp xúc với họ. Một khảo sát gần đây cho thấy, có tới 68% không quay lại mua hàng của công ty chỉ vì cách ứng xử của nhân viên bán hàng không làm họ hài lòng.
Họ sẽ dễ bị thuyết phục chuyển sang dùng những nhãn hiệu khác có giá rẻ hơn và khi đó sẽ rất khó thuyết phục họ quay trở lại.

Giữ khách bằng cách nào?

“Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” chính là điều mà các DN cố gắng gây dựng, nhằm giữ chân khách cũ, tìm thêm những khách hàng mới. Nhiều chương trình thu hút khách hàng đã được các DN đưa ra như khuyến mãi, chăm sóc khách hàng, bảo hành...
Tuy nhiên, theo ông Ngô Đình Dũng, chi phí để có một khách hàng mới không hề nhỏ, gấp 5-10 lần chi phí để duy trì một khách hàng đang có. Những khách hàng cũ, những khách hàng trung thành đã và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công ty trong hiện tại cũng như tương lai. Họ giúp công ty tăng doanh thu, giảm chi phí tìm khách hàng mới cũng như mua thêm sản phẩm dễ dàng hơn.

Nhưng làm sao để giữ chân được khách hàng trung thành? Theo các chuyên gia, ngay khi khách hàng trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ chính là lúc họ sẽ quyết định có trung thành với thương hiệu, với sản phẩm của công ty hay không. Chỉ khi họ cảm nhận được những ưu việt từ sản phẩm hoặc dịch vụ, thì DN mới có khả năng giữ chân họ lại với mình.
Cũng theo ông Ngô Đình Dũng, muốn khách hàng trung thành với thương hiệu, DN cần chú trọng đến sản phẩm, sự thuận tiện và cả yếu tố con người. Và càng ngày yếu tố con người càng được nhấn mạnh.

Yếu tố con người cũng được GS. Tôn Thất Nguyễn Thiêm, Giám đốc Chương trình đào tạo MBA của Viện Quản trị kinh doanh Bruxen - UBI (Bỉ) tại Việt Nam, cho là quan trọng nhất trong kinh doanh hiện nay. Và để khách hàng trung thành thì DN phải thấu hiểu khách hàng, không nên sản xuất cái DN thích, mà phải sản xuất cái khách hàng cần.
Lâu nay, DN chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm chứ chưa thấu hiểu người tiêu dùng. Có rất nhiều sản phẩm tốt được sản xuất, nhưng cách thức bán hàng, phong cách phục vụ, cũng như đội ngũ nhân viên của các công ty chưa “xứng tầm”, chưa cùng “đẳng cấp” với chất lượng sản phẩm được sản xuất ra.
“Chất lượng sản phẩm cùng các chứng chỉ về ISO chỉ là “giấy thông hành” để thâm nhập thị trường. Muốn sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích còn cần thêm nhiều yếu tố khác, như: thân thiện với môi trường, đối xử công bằng với nhân công, đối xử tốt với khách hàng và tạo niềm tin cho họ...”, GS. Thiêm nói thêm.
Nhà sản xuất không nên quá chạy theo lợi nhuận mà bỏ mặc lợi ích của người mua. Họ sẽ không bao giờ sử dụng nữa nếu không hài lòng về sản phẩm.
Thậm chí, họ còn thông tin ngay đến người thân, bạn bè để cùng nhau tẩy chay thương hiệu đó. Tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng đối với sản phẩm không chỉ giúp mở rộng thị phần, mà còn tạo được kênh tiếp thị truyền khẩu rất hữu hiệu nhưng lại ít chi phí.

Ngoài những yếu tố trên, các chuyên gia còn cho rằng, muốn quản lý được lòng trung thành của khách hàng thì những chính sách của DN dành cho họ phải được công bố minh bạch.
Đặc biệt, phải giúp khách hàng hiểu được những quyền lợi họ có khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của DN. Muốn vậy, ngoài việc cung cấp sản phẩm, DN phải chú trọng hơn nữa việc xây dựng mối quan hệ khách hàng bằng chiến lược rõ ràng.
(Hồng Nga-DNSG)