"Lý Quang Diệu có thể gọi một cách chính xác là cha đẻ của nước Singapore hiện đại. Ông đã thực hiện nhiều chính sách được cả châu Á học hỏi, và ông đã nâng cao đáng kể uy tín, vị thế của Singapore. Di sản đó sẽ tồn tại mãi."
-- John Major, thủ tướng Anh 1990 - 1997 --
Sau một khoảng thời gian dài thường hỏi những đồng nghiệp của mình: "Mục tiêu lớn nhất mà em muốn đạt được là gì?", câu trả lời mà tôi nhận được có khi là không biết mình muốn gì, cho dù là mục tiêu dài hạn 3-5 năm hay 6 tháng ngắn ngủi.
Trong quyển sách "Đối thoại với Lý Quang Diệu", Tom Plate đã gợi mở cho chúng ta cách để tìm thấy tầm nhìn của chính mình.
Tom Plate viết rằng
Nếu Singapore không có mối quan hệ tốt với những thế lực lớn mạnh hơn Singapore thì đất nước này càng nhỏ bé hơn, có thể bị thụt lùi hoặc thậm chí bị nước khác nuốt chửng - và thế là hết. Lý Quang Diệu thường xuyên nói đến việc Singapore nhỏ bé cần thiết phải nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh và hành động.Với mỗi người, tầm nhìn là rất khác nhau. Có người nhìn thấy bức tranh rộng hơn, có người nhìn thấy những chi tiết, có người nhìn thấy 10 năm sau, có người chỉ nhìn thấy lương tháng hiện tại. Lý Quang Diệu nói:
Tập đoàn đa quốc gia Shell Oil đã cho tôi ý tưởng từ cụm từ "năng lực trực thăng". Có nghĩa là người đó có thể nhìn thấy một vấn đề trong tổng thể, có thể nhìn vào chi tiết cần giải quyết và tập trung vào đó. Khả năng đó gọi là 'năng lực trực thăng'. Vậy nếu anh ở vị trí quá thấp thì 'năng lực trực thăng' của anh cũng thấp, anh không thể thấy được toàn cảnh bức tranh và cũng không có khả năng đi sâu vào chi tiết.Ông giải thích thêm về bức tranh rộng lớn ở góc độ một quốc gia với tầm nhìn 20-30 năm sau:
Bức tranh rộng lớn ở đây có nghĩa là: anh có thể thấy được vấn đề này là một phần của vấn đề khác. Lấy Singapore làm ví dụ. Singapore không tồn tại riêng biệt. Cái anh thấy ở Singapore là sự phản chiếu của cả thế giới chứa đựng nó, thế giới có mối dây liên kết với nó. Thế giới mà Singapore có kết nối đang mở rộng hơn nhờ công nghệ.
Do đó, bức tranh rộng lớn hơn là như thế này: Singapore không chỉ phụ thuộc vào những gì đang diễn ra ở Johor, ở Indonesia hay ở Asean mà còn phụ thuộc vào những gì đang diễn ra ở Mỹ - với trật tự thế giới như hiện nay. Nếu là ba mươi năm trước thì tôi sẽ nói Mỹ, châu Âu, Nhật Bản là những động cơ phát triển của thế giới. Dần dần mọi thứ thay đổi. Ngày nay, Mỹ vẫn là số một, Nhật Bản là số hai, châu Âu là số ba và tiềm năng thuộc về Trung Quốc - số bốn, có lẽ họ sẽ là số hai trong 20 năm nữa, và Ấn Độ, hiện có lẽ là số bảy nhưng sẽ chỉ xếp sau Trung Quốc sau 20, 30 năm tới. Tức là anh phải xét đến các yếu tố đó trong phép tính của anh khi tiến hành các chính sách.Với tầm nhìn đó, ngoài quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, Singapore cũng giống các quốc gia trong khu vực : "Không một nước nào trong khu vực lại muốn đánh cược tất cả vào Trung Quốc" vì "có thể Trung Quốc sẽ đi theo con đường "trỗi dậy hoà bình" hoặc "một ngày nào đó Trung Quốc sẽ tỉnh giấc và theo chân những người khổng lồ trong lịch sử nuốt tươi những quốc gia bé nhỏ xung quanh". Khi đó, Ấn Độ sẽ có vai trò hữu ích. Và Lý Quang Diệu nói đến chuyện trăm năm
Đối trọng sẽ là ai? Không thể là Nhật Bản. Họ không có đủ năng lực. Nhật Bản cộng với Mỹ thì được, có thể là một đối trọng cả về mặt kinh tế, tự nhiên và quân sự. Nhưng chỉ trong châu Á thôi thì sẽ là ai, vì trong 100, 200 năm nữa, Mỹ sẽ ngày càng ít khả năng chi phối châu Á? Ấn Độ sẽ đóng vai trò đó.
Vì vậy chúng tôi xây dựng mối quan hệ với Ấn Độ. Trong hàng chục năm, Thủ tướng Manmohan Singh và tôi nỗ lực đưa người Ấn Độ tham gia vào Đông Nam Á. Từ tận thời Indira Gandhi cơ.Khi bạn nhìn thấy trước bức tranh toàn cảnh, nhìn thấy vấn đề cần phải giải quyết và tập trung vào đó, bạn sẽ đi xa. Với tầm nhìn của riêng mình, bạn sẽ có một ngọn hải đăng của tương lai, giúp bạn biết bạn nên lựa chọn công việc nào, nên quyết định ra sao, cái gì nên giữ lại và cái gì nên bỏ đi để tiến nhanh về nơi bạn đã chọn.
(Blog Cham Xanh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét