Doanh nghiệp - Doanh nhân
Thiếu tầm nhìn trong quản trị doanh nghiệp Cập nhật: 11-5-2009
(Minh Tuấn )
Coi trọng bộ phận đầu tư tài chính, xem nhẹ việc cải tiến chất lượng bộ phận sản xuất - kinh doanh là nguyên nhân chính dẫn tới quản trị DN kém hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Trung Thẳng, Viện trưởng Viện Marketing và Quản trị Việt Nam, tại Hội thảo về marketing và quản trị doanh nghiệp (DN) diễn ra tại TP.HCM cuối tuần qua, các DN Việt Nam vẫn còn thiếu tầm nhìn chiến lược trong việc quản trị DN. Thực tế cho thấy, không ít DN còn lúng túng trong công tác hoạch định chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc. Không ít DN đánh giá nhân viên qua doanh số, lợi nhuận hoặc theo cảm tính. Một số khác mô phỏng mô hình quản trị của các công ty đa quốc gia và cho rằng, đó là mô hình quốc tế, nhưng lại không đạt được kết quả như mong muốn. Nhiều công ty đã đặt nặng các chỉ tiêu tài chính hơn là tập trung vào sản xuất, kinh doanh. Đây là điểm rất khác biệt so với các DN thành công trên thế giới. Theo nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu thị trường McKinsey, những DN thành công trên thế giới khi nghiên cứu thực hiện chiến lược phát triển thường tập trung vào các khía cạnh như: sức khỏe thị trường (70%), sức khỏe tổ chức (55%), sức khỏe mạng lưới (40%), sức khỏe tài chính (31%), sức khỏe vận hành (28%). Sức khỏe của các DN Việt Nam đã có sự sụt giảm và kém phát triển do nhiều DN coi trọng bộ phận đầu tư tài chính, mà không cải tiến chất lượng bộ phận sản xuất - kinh doanh.
Để giải quyết khó khăn trên, ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Trưởng đại diện Công ty Heinz USA cho rằng: “Điều quan trọng nhất không phải là hệ thống nào đang sử dụng, mà phải có một hệ thống quản trị. Tạo ra văn hóa định hướng mục tiêu, giúp nhận biết định hướng đóng góp công việc, nâng cao hiểu biết về mong đợi công việc, đo lường hiệu quả công việc thật sự của nhân viên”. Việc có một hệ thống quản trị DN tốt sẽ kiềm chế sự kiêu căng của những lao động xuất sắc, giúp tăng năng suất lao động của tổ chức.
Ông Lưu Trọng Tuấn, Trưởng đại diện Công ty Liven Agrichem cho rằng, nâng cao chất lượng quản trị liên quan đến sự thông hiểu và tác động đến các vấn đề hoạt động ở từng cấp độ trong tổ chức, cá nhân. Hiệu quả liên quan đến “làm đúng việc, đúng lúc, đúng chất lượng” trong thực hành, kết hợp với việc khen thưởng xứng đáng. Cần phải hết sức tránh việc nhân viên rời bỏ tổ chức của mình, hoặc sao lãng công việc với những lý do như: “Ở tổ chức này, làm giỏi cũng như làm kém… Lương ai cũng tăng giống nhau, mỗi năm 5%”; “… Lãnh đạo xuất phát từ dân kỹ thuật, nên rất quan tâm đến quy trình công nghệ và chuyên môn kỹ thuật, việc đầu tư tiếp thị và bán hàng rất khó thuyết phục”; hoặc “Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị, chiến lược đều có, nhưng thực tế công việc hàng ngày chẳng liên quan gì, chỉ chạy theo doanh số”...
Ông Vũ Thế Dự, Tổng giám đốc Công ty GfK Asia cho biết, để nâng cao chất lượng quản trị công việc, rất nhiều tổ chức đã áp dụng Hệ thống Quản lý chiến lược theo thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard). Ưu điểm của hệ thống này là kích thích và duy trì được niềm tin của người lao động vào chiến lược phát triển của tổ chức. Các nhân viên luôn hiểu rõ vai trò và những đóng góp sẽ được tổ chức ghi nhận với mức độ công bằng cao. Công ty GfK Asia đã áp dụng hệ thống này tại Việt Nam và 10 nước châu Á. Từ khi áp dụng hệ thống Balanced Scorecard, doanh thu của các nước trên đã tăng trưởng gấp đôi.
Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét