Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011
Tìm nguồn vốn qua IR
Tọa đàm “Quan hệ nhà đầu tư - Giải pháp marketing nguồn vốn” do Viện Marketing và Quản trị Việt Nam phối hợp với Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức cuối tuần qua đề cập vấn đề thị trường nguồn vốn ngày càng căng thẳng khiến doanh nghiệp (DN) nghĩ đến giải pháp kêu gọi nhà đầu tư (NĐT). Nhưng để thu hút nguồn vốn này, DN phải xây dựng được mối quan hệ với NĐT một cách chuyên nghiệp, bài bản, và đây là điều các DN Việt Nam chưa quan tâm.
Tại sao phải quan tâm đến IR?
Khi thị trường vốn ngày càng căng thẳng, hạn chế tăng trưởng tín dụng xảy ra cùng lúc với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán khiến nhiều DN nghĩ đến huy động vốn từ NĐT. Và như vậy, quan hệ nhà đầu tư (IR) cần được quan tâm đúng mức.
IR là công tác quản trị chiến lược, một tổng hợp của tài chính, truyền thông, tiếp thị trong khuôn khổ pháp lý giúp thông tin hai chiều giữa công ty với cộng đồng và các tổ chức tài chính nhằm tối ưu giá trị DN/cổ phiếu.
Quản trị IR tốt không những giúp DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng và giảm chi phí vốn trong tương lai, giá trị của công ty được đánh giá đúng, mà còn góp phần phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam lên tầm cao mới.
Nhưng công tác IR phải cung cấp cho cổ đông một bức tranh chính xác, trung thực và rõ ràng về kết quả hoạt động của công ty trong quá khứ cũng như triển vọng trong tương lai. Sứ mệnh của các nhân viên chuyên trách công tác quan hệ NĐT (IRO) là phải làm cho cổ đông hiểu và đầu tư vào giá trị thực của công ty.
IRO phải hiểu rõ các yếu tố tác động đến quyết định của NĐT. Các NĐT trông đợi IRO công bố thông tin tốt hơn, minh bạch hơn và truyền thông hiệu quả hơn. Một chương trình IR thông thường hướng đến các đối tượng sau: NĐT tổ chức, NĐT cá nhân, kênh truyền thông tài chính và chuyên viên phân tích.
Thiếu và yếuDưới góc nhìn của marketing thì sản phẩm của IR là công ty. Vì thế, gói sản phẩm được đóng chính là báo cáo năm, hồ sơ sở chứng khoán, hồ sơ khách hàng, đối tác, các bảng biểu, năng lực, các hồ sơ tài chính...
Việc phân phối, quảng cáo là những cuộc gặp gỡ các nhà phân tích, hội nghị cổ đông, PR/quảng cáo, phỏng vấn, sự kiện... và khách hàng chính là các NĐT tổ chức, NĐT cá nhân và nhà môi giới. Mục tiêu của IR là nhằm đạt được và duy trì mức giá hợp lý của cổ phiếu bằng những chiến lược truyền thông và thông tin hiệu quả.
IR rất quan trọng nhưng trên thực tế, hiện nay, mối quan hệ giữa DN với NĐT còn khá lỏng lẻo và thường thấy dưới cái tên phòng/ban quản lý cổ đông dừng lại ở mức độ “quản lý”, bao gồm quản lý thông tin và thực hiện các quyền của cổ đông, chưa thấy được mối quan hệ, tương tác hai chiều.
Phần lớn DN vẫn chưa có bộ phận IR riêng, vì thế, khi có bất cứ sự cố nào, người đứng đầu DN thường lãnh trách nhiệm giải quyết. Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masso Group, cho rằng, công tác IR tại Việt Nam chưa được đầu tư chuyên sâu.
Đa số DN chưa có ngân sách riêng cho hoạt động này, chưa có đội ngũ IRO. Hơn nữa, kiến thức quản trị IR của DN còn rất manh mún và thiếu các đối tác tư vấn, cung cấp các dịch vụ IR.
Kết quả cuộc khảo sát cuối năm 2010 của Tập đoàn Masso Group cho thấy, gần 90% công ty được hỏi cho biết có thực hiện các hoạt động IR nhưng dưới hình thức kiêm nhiệm hoặc thông qua ban quản lý cổ đông.
Rất ít DN có IRO đúng nghĩa (dưới 30% công ty tham gia khảo sát trả lời) và điều đáng nói là ngân sách dành cho hoạt động này hằng năm không đáng kể.
Gần một nửa số công ty được hỏi cho biết, mỗi năm họ chỉ dành khoảng 5.000 - 30.000USD cho hoạt động IR. Và có đến 12% số công ty tham gia khảo sát xác định không có kinh phí cho hoạt động này.
Cần đẩy mạnh IR
Thực hiện công tác IR đòi hỏi rất nhiều kỹ năng về chuyên môn như tài chính - kế toán, truyền thông, thị trường chứng khoán, pháp luật về chứng khoán và cả những “kỹ năng mềm” như khả năng phân tích, truyền đạt và diễn thuyết.
Bên cạnh đó, IRO phải am hiểu công ty, nắm được những ưu, nhược điểm của công ty cũng như của các DN cạnh tranh trong cùng ngành.
Không chỉ thế, họ còn phải biết cách truyền thông, chủ động tiếp cận NĐT và giới đầu tư. Họ phải biết nhắm đến NĐT mục tiêu, đo lường phản hồi cũng như báo cáo kết quả.
Các IRO phải làm thế nào để ban giám đốc hiểu về IR và chia sẻ công việc với mình. Ngoài ra, họ phải có khả năng giao tiếp chuyên nghiệp, chính xác; biết lắng nghe và điều phối thông tin bên trong cũng như bên ngoài; nắm bắt thông tin và tổng hợp theo từng “nhịp thở” của công ty đồng thời với việc tư duy chiến lược và quản trị cấp cao.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là họ phải kiên nhẫn, nhất quán và đam mê công việc.
IR không chỉ gói gọn trong công bố thông tin theo quy định, mà là cả một chiến lược quản lý và trao đổi thông tin giữa DN và cộng đồng đầu tư; marketing, tiếp thị hình ảnh của DN đến cộng đồng đầu tư.
Do vậy, các IRO cần phải lên kế hoạch thực hiện, có tính toán đến từng đối tượng, thời gian triển khai, cách thức tiếp cận phù hợp với từng đối tượng trong cộng đồng đầu tư.
Trên thế giới, những năm 1970-1980, IR là nhiệm vụ của PR và truyền thông, nhưng ngày nay đó là vai trò của truyền thông và tài chính.
Kết quả cuộc khảo sát cuối năm 2010 của Tập đoàn Masso Group cho thấy, gần 90% công ty được hỏi cho biết có thực hiện các hoạtđoộng IR nhưng dưới hình thức kiêm nhiệm hoặc thông qua ban quản lý cổ đông. Rất ít DN có IROđúng nghĩa (dưới 30% công ty tham gia khảo sát trả lời) và điều đáng nói là ngân sách dành cho hoạt động này hàng năm không đáng kể. Gần một nửa số công ty được hỏi cho biết, mỗi năm họ chỉ dành khoảng 5.000 -30.000 USD cho hoạt động IR.
Ông Bùi Quang Nam, Giám đốc Tài chính Công ty Cà phê Trung Nguyên cho rằng, hiện nay thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng nên hoạt động IR cần được đẩy mạnh hơn nữa.
“Làm IR không chỉ để bán cho nhà đầu tư mà cho cả người tiêu dùng. Các DN muốn tìm NĐT, muốn tìm nguồn vốn cần phải làm IR”, ông Nam nói.
Theo ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Giám đốc Điều hành Global Elite, các chuyên viên IR ở Việt Nam đa phần là các nhân viên bộ phận truyền thông kiêm nhiệm hoặc chuyên viên marketing chuyển qua.
Vì thế, những người làm PR và marketing chỉ cần hiểu về tài chính là có thể kiêm nhiệm công việc này. Các doanh nhân tham gia tọa đàm thống nhất, trong thời điểm khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, vai trò của các IRO là phải làm minh bạch thông tin.
“Thiếu vốn, các NĐT mất niềm tin, mà nếu không minh bạch thì càng làm họ mất niềm tin hơn. Và trong giai đoạn này, ngoài quan hệ với NĐT trong nước, các IRO phải biết quan hệ với NĐT nước ngoài để tìm nguồn vốn”, ông Nam khuyên.
Theo doanhnhansaigon
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét