Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Đào tạo kỹ năng mềm - Bài viết năm 2008 cho TBKTSG

Trong những năm gần đây, một trong những chủ đề được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng là kỹ năng “mềm” hay còn gọi là kỹ năng “con người” hoặc kỹ năng “sống”. Dù bạn giữ bất cứ cương vị nào ở bất kỳ ngành nghề nào, kỹ năng “mềm” được xem là một chìa khóa để dẫn bạn đến thành công. Đào tạo và rèn luyện kỹ năng mềm như thế nào cho hiệu quả vẫn là một câu hỏi được cả những nhà quản lý, các trung tâm đào tạo, giảng viên và học viên quan tâm. Ở thành phố Hồ Chí Minh, hiện tại có khoảng trên 50 công ty và trung tâm chuyên đào tạo về kỹ năng mềm và khoảng 100 giảng viên tham gia đào tạo. Hầu hết những kỹ năng đều được thiết kế khoảng 1-2 ngày. Tuy vậy, hiệu quả của việc đào tạo như thế nào vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.
Tại sao có nhiều người đã tham dự rất nhiều khóa đào tạo kỹ năng mềm? Tại sao có rất nhiều công ty gửi nhân viên đi học các khóa về kỹ năng mềm? Nhưng sau khi được đào tạo vẫn cảm thấy không thể phát triển hoặc không đạt hiệu quả như mong muốn? Phải chăng giảng viên không chuyên nghiệp, chương trình đào tạo không phù hợp hay là do khả năng học viên yếu không thể tiếp thu các kiến thức và kỹ năng? Không hoàn toàn như vậy, vậy đâu là mấu chốt của vấn đề?
Tác giả không có tham vọng giải quyết vấn đề này trong phạm vi bài viết tuy nhiên xin bày tỏ một số quan điểm với mong muốn ngày càng nhiều người hoàn thiện hơn về kỹ năng mềm và thành công hơn trong công việc và cuộc sống. Trước hết, rất khó để có thể xác định một chuẩn mực cho kỹ năng mềm bởi vì kỹ năng mềm xuất phát từ động cơ cá nhân và nội lực bên trong của mỗi người. Nếu tất cả mọi người đều đạt một chuẩn mực chung sẽ dẫn đến thiếu sự đa đạng và phong phú. Sự khác biệt mang tính cá nhân riêng sẽ làm cho môi trường trở nên đa dạng và là động lực để hoàn thiện, bổ sung và phát triển. Do vậy việc chấp nhận sự khác biệt và bổ sung giữa những các cá nhân là cần thiết. Thứ hai, việc đào tạo kỹ năng mềm không chỉ dừng lại ở 1 hoặc 2 ngày đào tạo. Đào tạo kỹ năng mềm phải được hiểu như một quá trình. Trong quá trình đó có sự phối hợp giữa công ty, trung tâm đào tạo, giảng viên và bản thân học viên. Các khóa học kỹ năng mềm chỉ cung cấp cho học viên những kiến thức và kỹ năng nền tảng, tạo tiền đề để học viên phát huy những thế mạnh và khắc phục những điểm yếu nhằm hoàn thiện bản thân trong tương lai. Do vậy, quá trình sau đào tạo đóng vai trò rất quan trọng. Việc tự trải nghiệm, vận dụng và đúc kết kinh nghiệm từ trong công việc và cuộc sống là một phần quan trọng để giúp học viên hoàn thiện kỹ năng mềm của mình. Quá trình này không chỉ một mình học viên phải chịu trách nhiệm và tự làm mà cần có sự hỗ trợ của công ty, đặc biệt là cấp quản lý trực tiếp, trung tâm đào tạo và môi trường sống và làm việc. Lấy ví dụ, học viên được tham dự khóa học Kỹ năng tư duy sáng tạo và nắm bắt nhiều kỹ thuật tư duy sáng tạo tuy nhiên khi trở về làm việc tại công ty lại phải làm việc trong một môi trường không tạo điều kiện cho họ tư duy sáng tạo hoặc những ý tưởng sáng tạo của họ không được ghi nhận và phát triển. Như vậy không thể qui kết rằng do bản thân học viên hoặc trung tâm đào tạo mà học viên không phát triển được kỹ năng mềm này. Một ví dụ khác, trung tâm đào tạo sau khi đã cung cấp một khóa học kỹ năng mềm trong 1 hoặc 2 ngày với niềm tin rằng mình đã cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ cho học viên và dừng lại với bảng đánh giá sau khóa học 90% hài lòng ở mức 4/5 xem như việc đào tạo đã hoàn tất cũng như trách nhiệm còn lại là ở công ty và học viên.
(Ảnh: Tác giả đào tạo kỹ năng mềm cho cán bộ quản lý của tập đoàn Thành Thành Công)

Thiết nghĩ, việc đào tạo kỹ năng mềm có thể sẽ hoàn thiện hơn nếu tồn tại sự liên tục phối hợp giữa bản thân học viên, công ty và trung tâm đào tạo Thứ ba, văn hóa công ty và văn hóa của một đất nước ảnh hưởng rất nhiều đến kỹ năng mềm. Thật không dễ để mang những kỹ năng mềm có chuẩn mực phương Tây hoặc mang văn hóa phương Tây để áp dụng vào phương Đông. Một ví dụ rất đơn giản trong giao tiếp, người phương Tây thường rất thoải mái trong việc bày tỏ chính kiến và thẳng thắn đi vào mục tiêu giao tiếp để tránh mất thời gian trong khi người Á Đông và Việt Nam thường hay rào trước đón sau trước khi phát ngôn, tránh đi thẳng vào vấn đề để tối thiểu hóa việc làm mất lòng người giao tiếp ngay tại thời điểm giao tiếp. Như vậy, chuẩn mực nào cho giao tiếp là phù hợp. Một số vấn đề khi giao tiếp được người phương Tây giao tiếp rất cởi mở như giới tính, quan hệ tình dục, v.v. như một phần tất yếu của cuộc sống nhưng lại là những vấn đề tế nhị và không nên giao tiếp ở nơi đông người đối với người Á Đông. Đây chỉ là hai ví dụ trong rất nhiều tình huống trong cuộc sống mà văn hóa có ảnh hưởng rất lớn đến kỹ năng mềm ở đây là kỹ năng giao tiếp. Thứ tư, rèn luyện và vận dụng kỹ năng mềm đúng phương pháp để đạt hiệu quả và thành công .
Học viên cần phải nhận thức rõ ràng rằng kỹ năng mềm cần phải được tập luyện hằng ngày và liên tục để giúp trở thành một thói quen tốt. Khi vận dụng kỹ năng mềm cần phải được tận dụng một cách linh hoạt tùy thuộc vào tình huống và công việc cụ thể. Rất nhiều học viên tham dự các khóa học kỹ năng mềm với hi vọng tìm ra một khuôn mẫu chuẩn mực để mang về áp dụng và thành công. Những học viên này sẽ không thể tìm được chuẩn mực cũng như không thể nào phát triển được kỹ năng mềm với cùng cách tư duy như vậy. Ví dụ, trong khóa đào tạo kỹ năng quản lý bản thân, học viên học được 7 thói quen của người thành đạt, tuy nhiên nếu học viên chỉ dừng lại ở lý thuyết, không rèn luyện hằng ngày và vận dụng đúng phương pháp, học viên sẽ không thể biến 7 thói quen này trở thành thói quen của bản thân giúp họ thành công. Nói tóm lại, kỹ năng mềm thuộc về nhóm các kỹ năng hành vi đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống và trong công việc. Kỹ năng mềm được hầu hết các nhà tuyển dụng quan tâm và xem như là chìa khóa để thành công. Đánh giá đúng mức tầm quan trọng của kỹ năng mềm là cần thiết tuy vậy đào tạo và rèn luyện kỹ năng mềm hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa công ty, trung tâm đào tạo và học viên. Các yếu tố cần phải quan tâm là chấp nhận sức mạnh nội tại và sự khác biệt của mỗi người trong kỹ năng mềm, xem việc đào tạo kỹ năng mềm là một quá trình, xem xét ảnh hưởng của văn hóa đến kỹ năng mềm và rèn luyện liên tục cũng như vận dụng linh hoạt kỹ năng mềm vào thực tế công việc và cuộc sống.
Hi vọng cùng với bài viết này sẽ có nhiều quan điểm được chia sẻ từ các chuyên gia và bạn đọc để việc đào tạo và rèn luyện kỹ năng mềm thật sự hiệu quả và đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng và nâng cao trình độ của nguồn nhân lực hiện tại.
(Bài viết của Nguyễn Đăng Duy Nhất đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn năm 2008)

1 nhận xét:

  1. mình có bán DVD kỹ năng mềm, cảm ơn Admin
    bạn nào cần thì liên hệ
    Mr.Quang
    0969 150 151
    chuyên bán turenluyenkynang

    Trả lờiXóa