(baodautu.vn) Quản trị công ty hiệu quả là vấn đề tiên quyết, quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Dưới đây là một góc nhìn về quản trị doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đầy thách thức.
Cần chuyển từ quản trị theo cảm tính sang quản trị theo khoa học
(Ảnh minh họa)
Năm 2012 là một năm đặc biệt tại Việt Nam, với số doanh nghiệp phá sản lên đến con số trên 60.000 doanh nghiệp.
Hàng loạt thương hiệu bị mất đi, hàng loạt công ty bị thâu tóm, làm nền kinh tế khó khăn lại càng nghiêm trọng hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mất vị thế cạnh tranh ngay tại thị trường của mình. Hơn bao giờ hết, vấn đề Quản trị công ty hiệu quả đang được đặt lên hàng đầu.
Ngạn ngữ có câu “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, phải đi cùng người khác”. Để có thể đi cùng người khác – một điều kiện tất yếu để phát triển lớn mạnh và trường tồn – doanh nghiệp nhất thiết phải chuyển từ “quản trị theo cảm tính” sang “quản trị theo khoa học”, chuyển từ cơ chế “gia đình trị” sang “cơ chế trị”.
Quản trị công ty và điều hành công ty là hai phạm trù khác nhau, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam thường hay nhầm lẫn và dẫn đến phát sinh nhiều mâu thuẫn trong doanh nghiệp. Vậy quản trị công ty là gì và đâu là mô hình thực tiễn nên áp dụng tại Việt Nam, bài viết xin chia sẻ một góc nhìn mới về quản trị công ty trong môi trường kinh doanh đầy thách thức hiện nay.
Quản trị - nhìn trên thế giới
Quản trị công ty, về cơ bản là một hệ thống các cơ chế và chính sách để giúp những người nắm quyền sở hữu có thể kiểm soát được quyền lực, năng lực và nỗ lực của những người quản lý nhằm tránh sự lạm quyền, chây lười hay tư lợi của họ.
Một góc nhìn khác, quản trị là một hệ thống định hướng nhằm thúc đẩy hoạt động lâu dài và bền vững của doanh nghiệp trong một thị trường minh bạch có sự tham gia của cổ đông.
Có thể tham khảo 2 mô hình quản trị công ty là mô hình các nước Anglo-Saxon và mô hình các nước Châu Âu.
Mô hình Anglo-Saxon xoay quanh các cổ đông và hệ thống bên ngoài dựa trên thị trường, được xây dựng trên nền tảng pháp luật và được hình thành trên thông lệ thông thường và rất linh hoạt. Mô hình này thường được áp dụng bởi các công ty Mỹ và Anh.
Mô hình các nước Châu Âu xoay quanh các bên liên quan trong công ty và hệ thống bên trong, điển hình là tại Đức và Nhật, đòi hỏi một thể chế phức tạp hơn và toà án công minh hơn.
Theo sự phát triển của quản trị công ty, thế giới ngày nay nghiêng về các hệ thống pháp lý và quản trị hiệu quả của các nước Anglo-Saxon, tuy nhiên cũng có những ngoại lệ trong việc ứng dụng các nguyên tắc quản trị công ty theo các hệ thống này.
Do đặc thù riêng của các nước đang phát triển, mô hình thường được áp dụng là mô hình trung gian. Mô hình trung gian này dựa trên các điều luật và chính sách, tinh thần tự nguyện vận dụng mô hình quản trị công ty và dựa vào những thành phần quan trọng khác như chính phủ, ngân hàng, và các tổ chức khác cũng như yếu tố then chốt là tính minh bạch của thế chế.
Để quản trị công ty hiệu quả cần xem xét những yếu tố có ảnh hưởng đến cơ chế quản trị công ty. Theo Larcker et al., 2007 và Grove et al., 2009 có 13 yếu tố chính: sự năng động, sở hữu khối lượng lớn, yếu tố công ty con, động thái chống thâu tóm 1, giám đốc nhiều tuổi, mức độ vay nợ, quyền lực bên trong, cấu trúc lương thưởng, các cuộc họp, chủ tịch và CEO là một, số lượng thành viên trong HĐQT, động thái chống thâu tóm 2, và cường độ công việc của các giám đốc.
Hãy cùng học hỏi từ những thành công và thất bại trong quản trị công ty trên thế giới. Trong thực tế, “hơn 70% các cơ sở sản xuất mới tại Bắc Mỹ phải đóng cửa trong thập niên đầu tiên. Khoảng 75% các thương vụ mua bán sáp nhập không mang lại giá trị cân bằng – tài sản của cổ đông các công ty thâu tóm sụt giảm nhiều hơn phần gia tăng tài sản cổ đông các công ty bị thâu tóm. Những nỗ lực xâm nhập thị trường mới cũng không khấm khá hơn nhiều; hầu hết đều bị bỏ dở trong vòng nhiều năm.” (Lovallo, Kahneman, 2003: 56).
Sự thất bại này có thể do các nhà quản lý không lường trước được các rủi ro và các thành viên HĐQT không giám sát được hiệu quả. Tóm lại, những quyết định được đưa ra không đúng có thể làm cho doanh nghiệp bị sa lầy và thất bại nghiêm trọng.
Tuy vậy, không thể phủ nhận vai trò của HĐQT trong việc làm gia tăng lợi nhuận và tạo giá trị cho công ty. Có thể thấy được điều này thông qua những thành công của Nokia, Dupont và Apple.
Năm 1963, Nokia từ công ty sản xuất giấy, cao su, dây cáp đã quyết định phát triển điện thoại di động radio, 2 năm sau là modem dữ liệu. Từ khi quyết định tham gia lãnh vực mới, Nokia chưa bao giờ nuối tiếc và đã từng là thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất trong lãnh vực điện thoại di động trước khi Smartphone ra đời.
Dupont đã từng mua 23,8% cổ phần của công ty tràn ngập nợ nần là General Motors , một quyết định đầu tư đầy rủi ro. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã thu lại nguồn lợi khổng lồ cho tập đoàn.
Apple, tháng 1/2007 đã có 200 ứng dụng bằng sáng chế và tham gia vào lãnh vực điện thoại di động với thương hiệu Iphone, đến năm 2010: 51 triệu điện thoại di động đã được bán, chiếm 25% thị phần, đã có trên 200.000 ứng dụng được sản xuất từ bên thứ ba. Rõ ràng là, cơ chế quản trị công ty hiệu quả và ra quyết định đúng đắn sẽ giúp công ty tăng trưởng vượt bậc.
Như vậy, xây dựng cơ chế quản trị công ty hiệu quả, HĐQT hiệu quả đóng vai trò chiến lược trong sự thành bại và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Quy chế quản trị doanh nghiệp phải linh hoạt, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị và tăng trưởng, một mặt phải tìm ra các cơ hội đầu tư, một mặt phải giảm thiểu các rủi ro và quản trị hiệu quả để bảo vệ các giá trị hiện có. Ngoài ra, công ty cần phải tiếp tục cải tiến và sáng tạo nhưng cần phải có cơ chế cho sáng tạo cũng như có sự dẫn dắt của HĐQT.
Vài vấn đề với doanh nghiệp Việt
Với sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam và trên 200 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến hiệu quả quản trị công ty.
Tuy vậy, tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tách biệt được chức năng quản trị và chức năng điều hành (governance và management).
Chính sự không tách biệt này đã gây ra nhiều xung đột và kiềm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Vai trò và giá trị của HĐQT là quản trị, định hướng và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của công ty; cung cấp hướng dẫn mang tính chiến lược cho công ty và Ban giám đốc; giám sát các hoạt động của công ty, của tổng giám đốc và các các bộ quản lý cao cấp; giá trị của thành viên HĐQT và HĐQT là nhìn ra tiền, suy nghĩ thành tiền chứ không phải là làm ra tiền; và giám sát để làm ra tiền theo cách nhìn và suy nghĩ đó.
Thực trạng tại Việt Nam là, HĐQT nắm hết quyền lực trong công ty (cả quyền cổ đông, quyền HĐQT và quyền điều hành), do đa số thành viên HĐQT vẫn là cổ đông lớn, hoặc người đại diện cổ đông lớn; chưa có sự tách biệt rõ nét giữa chủ sở hữu và người quản lý; chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật.
Ngoài ra, HĐQT thường chưa tập trung vào vai trò và chức năng chính mà kiêm nhiều vai, dẫn đến bị rối loạn; HĐQT gồm những người kém năng lực và thường xuyên tranh chấp quyền hành cũng như ban kiểm soát chỉ mang tính hình thức và chịu sự chi phối nhiều của HĐQT.
Trước thực tiễn đó, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để quản trị công ty hiệu quả hơn? Dưới đây là một vài gợi ý.
HĐQT cần phải thay đổi tư duy và nhận thức về quản trị công ty nhất là về vai trò của HĐQT, thành viên HĐQT, Ban giám đốc và Ban Kiểm soát; một khi vai trò, chức năng, trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng sẽ làm hạn chế “sự dẫm chân” lẫn nhau.
Thay đổi phương pháp quản trị công ty và điều hành doanh nghiệp, xem sự minh bạch hóa và trách nhiệm giải trình là quá trình tất yếu để lành mạnh hóa doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp hiệu quả.
Nâng cao năng lực chuyên môn trong quản trị và điều hành là điều không thể tránh khỏi.
Ngoài ra, không nên chỉ đánh giá sức mạnh doanh nghiệp thông qua bề ngoài và những yếu tố mang tính hình thức mà nên đánh giá đúng thực chất doanh nghiệp bằng cách sử dụng các hệ thống quản trị hiệu quả công việc với các hệ thống tiêu chí minh bạch và đo lường được.
Cuối cùng, cho dù mô hình quản trị công ty nào được áp dụng, doanh nghiệp và đặc biệt HĐQT cần thay đổi luật lệ và cơ cấu tổ chức quản trị và điều hành công ty theo đúng với bản chất của doanh nghiệp, bởi đây sẽ là nền tảng để phát triển bền vững.
Nếu “National Governance” (Quản trị quốc gia & Cơ chế kiểm soát) là con đường mà bất cứ một quốc gia nào cũng phải đi qua để có thể hùng mạnh và văn minh, thì “Corporate Governance” (Quản trị công ty & Cơ chế kiểm soát) là con đường mà hầu như doanh nghiệp nào cũng phải đi qua để có thể lớn mạnh và trường tồn.
Doanh nghiệp nào sớm nhận thức và thay đổi tư duy sẽ tạo dựng được lợi thế cạnh tranh để vượt qua cơn bão khủng hoảng kinh tế hiện nay và tạo nền móng vững chắc cho “tòa nhà cao tầng” trong tương lai.
* Chủ tịch CMO Council Worldwide tại Việt Nam
Giám đốc điều hành Global Elite Consulting Corporation
(Công ty Tư vấn chiến lược và quản lý Tinh Hoa Toàn Cầu).
Nguyễn Đăng Duy Nhất (*)
Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét