Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Hội nghị về CNTT và truyền thông giữa Hàn Quốc và Việt Nam


Vào hôm thứ Ba (4/6/2013), tại khách sạn InterContinental Asiana Saigon đã diễn ra “Hội nghị về công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (TT) giữa Hàn Quốc và Việt Nam”. Đây là sự kiện được Hiệp đoàn các doanh nghiệp Hàn Quốc về CNTT (MSIP) phối hợp với công ty KISA và CEO&CIO Club tổ chức nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam và Hàn Quốc xoay quanh các chủ đề, sản phẩm CNTT và TT.
Theo ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, chủ tịch CMO Council Worldwide tại Việt Nam, cho biết: “Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt nam và Hàn Quốc trong ngành công nghệ trao đổi và tìm kiếm đối tác thích hợp.”
Tại sự kiện lần này, có sự tham gia của 10 doanh nghiệp về CNTT đến từ Hàn Quốc như là CJ, Solbox, IR Link, A&D Engineering, Darim Vision, Dastek, Fiberpia, Myung Information Technologies, NanoTronix, SK Telecom


Đến với sự kiện này, ngoài việc trao đổi về các xu hướng công nghệ, các doanh nghiệp Hàn Quốc còn giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới nhất của họ như: sản phẩm Smart Beam (máy chiếu mini, tiện dụng, đây là sản phẩm hướng đến đối tượng là những người trẻ) và sản phẩm Smart robot (robot thông mình dành cho trẻ em vừa học vừa chơi) của SK Telecom, sản phẩm iStudio (tạo ra phim trường giả lập giúp cho việc thuyết trình hay các buổi hội thảo trở nên sinh động hơn), các giải pháp, phần mềm về Lưu trữ đám mây của công ty Solbox, công ty A&D engineering mang đến các giải pháp quản lý rủi ro và quản lý radio (dùng trong các trường hợp khẩn cấp như là: chiến tranh, xung đột,…),… và còn rất nhiều sản phẩm thú vị khác.
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, bên cạnh các sản phẩm công nghệ mang tính ứng dụng cao, thích hợp sử dụng tại Việt Nam; có một số sản phẩm vẫn chưa phù hợp với bối cảnh công nghệ của Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp CNTT và TT tại Việt Nam như là VDC, FPT, Viettel, VNPT, VTV, HTV, Cisco, IBM…. Đây là diễn đàn, là nơi các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, thảo luận về các sản phẩm tiên tiến; đây cũng là nơi các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các mối quan hệ hợp tác, kinh doanh.
Buổi “Hội nghị về CNTT và TT giữa Việt Nam và Hàn Quốc” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây chính là cầu nối giúp Hàn Quốc và Việt Nam phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt giúp cho ngành CNTT tại Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa.

Tuấn Huỳnh - IDG Media Services

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Mưa Đà Lạt

Hiếm có lữ khách nào tránh được một cơn mưa vội ở Đà Lạt. Đôi khi giữa những ngày nắng trong veo người ta lại cảm thấy thiếu một cơn mưa ào ạt, mang mây sà xuống đồi, mang cái huyền ảo, mộng mơ trả lại cho Đà Lạt.

Đà Lạt không có cái loáng thoáng của cơn mưa rào lất phất. Đã mưa là nồng nàn, là ào ạt, là chảy tràn ngập phố, là lốc bốc bong bóng phập phồng dường như vô tận...

Mưa Đà Lạt không như những cơn mưa phố thị như ở Sài Gòn. Từng hạt mưa to, trong như ngọc, không vẩn bụi. Mưa mang mùi thông xanh ngái, nùi đất bazan nồng nàn, rừng rực.
Mưa ở Trại Mát thơm mùi rau củ, mùi lá sú dập nát, mùi hành hoa ngan ngát; mưa ở hồ Xuân Hương nưng nức mùi cá tanh, mùi tảo xanh hăng hắc; mưa trên đèo có mùi thơm lừng của đá, của hơi đất phả ra; mưa trong quán cafe lại có mùi ẩm ướt của quần áo và hương cà phê moka đậm đặc. Không ít người còn nghe thấy cả trong mưa Đà Lạt mùi hương của tóc, của làn da khét nắng tràn đầy sức sống của dân phượt; hoặc mùi hương riêng biệt từ đôi môi của người bạn đồng hành đang co ro thả hồn theo mưa, say đắm với mưa trong một góc nhỏ ấm áp bất chợt nào đó...

Đà Lạt bây giờ mưa rồi mưa
mưa khơi nổi nhớ xa mịt mờ
mưa xô ngày tháng vào quên lãng
mưa đẩy hồn ta dạt xa bờ...

Đà Lạt mưa rồi mưa về đâu
Sông xa có nhớ suối khe đầu
ngày mai biển có làn sương sớm
thấm lạnh hồn ta lặng đá sầu
Đà Lạt mưa rồi mưa về đâu
về trong ký ức xa xôi nào
người đi mang nắng về bên ấy
để lại tôi mưa giữa chốn này

...

Mấy ai biết bài hát này (Mưa Đà Lạt) là tác phẩm của một vị tu sĩ hồn đã bay cao nhưng lòng còn quyến luyến trần gian lắm vậy!

Một ngày nọ, nghe chính tác giả ôm đàn ghi ta và hát “Mưa Đà Lạt, mưa rừng chiều, mưa thật nhiều, mưa nói dùm ta biết bao điều...”, chợt hiểu con người dù là ai đã sinh ra ở chốn này rồi thì lòng cũng luôn nặng nợ với trần gian lắm lắm.

Mùa mưa tháng 6-2013
Hữu Nguyên

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Diễn đàn Tư Vấn Việt Nam 2013 - CEO Global Elite Consulting Corporation: Speaker and Moderator

DN Việt vẫn chỉ muốn được tư vấn ngắn hạn
Thứ Sáu,  31/5/2013, 18:51 (GMT+7)
Thanh Thương - Thời báo kinh tế Sài Gòn

Ông Dieter Reineke, chuyên gia tư vấn quản trị, Giám đốc chương trình EMBA-MCI (phải) đang trả lời thắc mắc của những người tham dự. Ảnh: Thanh Thương
(TBKTSG Online) - Thị trường dịch vụ tư vấn Việt Nam đã xuất hiện hơn 10 năm, nhưng cái nhìn của doanh nghiệp Việt về vai trò của nhà tư vấn vẫn ít thay đổi. Đa phần doanh nghiệp mong nhà tư vấn trị bệnh nhanh chóng thay vì thực hiện các tiến trình dài hơi hơn.

Đó là những trao đổi của những người tham gia diễn đàn tư vấn quản trị lần 2, năm 2013, với chủ đề “Vai trò của nhà tư vấn với hiệu quả quản trị doanh nghiệp” do Đại học Bách Khoa tổ chức ngày 30-5.

Theo ông Nguyễn Minh Triết, Tổng giám đốc Công ty Stragery Asia, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có cái nhìn ngắn hạn, chỉ chú trọng vào lợi ích trước mắt. Cũng vì vậy, khi thuê tư vấn, chủ yếu là để giải quyết các vấn đề hiện tại, không phải tái cơ cấu doanh nghiệp để phát triển bền vững trong tương lai.

Còn ông Nguyễn Đăng Duy Nhất lại cho rằng, trong lúc khó khăn như thế này, càng nhìn gần càng tốt, để giải quyết vấn đề nội tại, để sống, sau đó sẽ nghĩ đến những thay đổi cần thiết cho tương lai. Vai trò của nhà tư vấn rất quan trọng trong việc phản biện lại những định hướng chưa đúng của doanh nghiệp, cũng như giúp doanh nghiệp đưa ra chiến lược hiệu quả trong hiện tại và tương lai, nhưng trong thực tề thời gian qua, doanh nghiệp chưa nhận thức được điều này.

Trao đổi riêng với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masso, cho rằng  để tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam, thay vì vấn đề tư vấn chỉ cần 1 giờ đồng hồ thì công ty tư vấn phải tốn đến 10 giờ, tuy vậy hiệu quả không cao. Theo ông Thẳng, nhiều doanh nghiệp muốn công ty tư vấn phải giải quyết những vấn để của doanh nghiệp, trong khi thực tế, công ty tư vấn chỉ là đơn vị hỗ trợ về cách thức, còn lãnh đạo doanh nghiệp vẫn phải thực thi. Điều này khiến cho nhiều khi cả hai phía không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến hợp đồng tư vấn đổ vỡ.

Theo điều tra của nhóm nghiên cứu thuộc Văn phòng Đào tạo quốc tế, Đại học Bách Khoa TPHCM, các khách hàng thường có xu hướng chỉ sử dụng dịch vụ tư vấn khi họ gặp vấn đề khó khăn mang tính chất sống còn, Việc đưa ra những yêu cầu cần tư vấn, các hồ sơ liên quan cần cung cấp cho nhà tư vấn thường không được doanh nghiệp chuẩn bị trước.

Trong khi đó, có mặt tại hội thảo, ông Dieter Reineke, chuyên gia tư vấn quản trị, Giám đốc chương trình EMBA-MCI phân tích rằng doanh nghiệp Việt Nam nên nhìn nhận một cách đúng đắn hơn khi phải thuê các nhà tư vấn. Phải đánh giá lại mức lãi khi thuê tư vấn, làm sao khi bỏ ra một đồng chi phí, doanh nghiệp phải có lợi gấp ba lần. Và hậu tư vấn, làm sao để doanh nghiệp vẫn hoạt động hiệu quả theo như chương trình tư vấn, không phải khi nhà tư vấn đi, mọi thứ lại trở về như cũ.

Giải pháp vượt khó thời khủng hoảng - Vnexpress.net phỏng vấn CEO Global Elite Consulting Corporation

Giải pháp vượt khó thời khủng hoảng
Tập trung vào mặt hàng chủ lực, giảm trọng lượng sản phẩm, bán kèm hàng hóa lẫn nhau… có thể giúp doanh nghiệp đứng vững khi kinh tế khó khăn, sức mua giảm, theo ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Chủ tịch CMO Worldwide Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược và quản lý Tinh hoa Toàn cầu, Chủ tịch CMO Worldwide Việt Nam chia sẻ với VnExpress.net những giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt trụ vững trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.

- Làm cách nào để doanh nghiệp ít tốn chi phí nhất, nhưng mang lại hiệu quả cao nhất trong giai đoạn này, thưa ông?
- Tôi muốn nhấn mạnh rằng để bán được sản phẩm, hệ thống phân phối rất quan trọng, nhất là trong thời điểm hiện nay. Doanh nghiệp cần liên kết với kênh phân phối chặt chẽ, trải rộng hơn và đàm phán nguồn hàng, giá cả với nhà cung cấp sao cho mang lại lợi ích nhiều hơn cho khách hàng và cũng giúp đẩy nhanh lượng tiêu thụ.
Khi kinh tế suy thoái, ngân sách dành cho marketing cũng hạn chế. Do đó, doanh nghiệp nên sử dụng công cụ hỗ trợ của công nghệ số như: mạng xã hội, blog, mobile, email, hạn chế quảng cáo qua tivi, các phương tiện truyền thông khác... để tiết giảm tối đa chi phí. Giá cả, hệ thống phân phối, quảng cáo, dịch vụ, quy trình đặt hàng, giao hàng, thanh toán cũng cần phải thay đổi.
- Doanh nghiệp nên chú trọng marketing ở mức độ như thế nào trong thời điểm hiện nay?
- Doanh nghiệp nên quan tâm tới marketing nếu muốn bán được sản phẩm hay dịch vụ trong lúc kinh tế khó khăn hay ổn định, áp dụng nguyên lý lấy nguồn lực và năng lực để tận dụng cơ hội. Các công ty cũng phải hiểu rõ đối thủ cạnh tranh, nếu không các chiến dịch hay chương trình đưa ra không đủ sức lôi kéo khách hàng và chiến thắng đối thủ.
Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần tập trung vào một số sản phẩm chủ lực và bỏ bớt những sản phẩm không hiệu quả, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu mới của khách hàng. Ví dụ, bán kèm với nhau, đưa ra gói sản phẩm nhỏ hơn...
Về mặt giá cả, hiện nay khách hàng quan tâm đến yếu tố này rất nhiều. Do đó, bộ phận marketing của công ty phải nắm tình hình tài chính của khách hàng để điều chỉnh chính sách giá cho phù hợp.
Ở khâu phân phối, doanh nghiệp nên ưu tiên hơn để giảm bớt chi phí, điều chỉnh quy trình giao hàng, đặt hàng với thời gian rút ngắn so với lúc trước.
Đối với khía cạnh quảng cáo, doanh nghiệp sử dụng một thông điệp xuyên suốt nhưng tích hợp nó hiệu quả trên các công cụ số.
- Có giải pháp nào hữu hiệu cho những doanh nghiệp đối mặt với khả năng phá sản lội ngược dòng, thưa ông?
- Thực ra những doanh nghiệp thành công cũng từng gặp hoàn cảnh rất khó khăn và bên bờ vực phá sản. Theo tôi, để vượt qua cơn khủng hoảng, các nhà quản lý, lãnh đạo của công ty cần có sự tự tin để biến những cái không thể thành có thể, đưa ra những cách làm có tính thích nghi cao, không phải rập khuôn.
Ví dụ, Adidas từ năm 1992 lỗ 100 triệu USD, đến năm 1999 đã lãi 900 triệu USD. Việc biến đổi ngoạn mục này là do sự sáng tạo, đột phá dựa trên yếu tố thấu hiểu khách hàng. Điển hình, Adidas tập trung vào phân khúc khách hàng là người trẻ chơi thể thao thay vì nhắm vào nhiều đối tượng.
- Trong thời buổi kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp xem việc giải phóng hàng tồn kho là tiêu chí số một, chứ không quan tâm tới marketing. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Hai vấn đề có liên quan với nhau. Để giải quyết hàng tồn, doanh nghiệp cần nghiên cứu nhu cầu khách hàng và sử dụng biện pháp như khuyến mãi, tăng cường lực lượng bán hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến hoạt động quảng cáo để khách hàng biết thương hiệu đó đang tồn tại.
Trong suy thoái kinh tế, khách hàng sẽ thay đổi hành vi, thói quen, tập quán tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp cần quay trở lại làm công tác nghiên cứu khách hàng. Sản phẩm bán được hay không là phụ thuộc vào khách hàng, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam lại rất ít chú trọng vào đầu tư cho nghiên cứu khách hàng.
Phương Mai